Tường thuật chiều ngày thứ hai và sáng ngày thứ ba ĐTC viếng thăm Chile

dgh093Chuyến công du Chile của ĐTC đã bước sang ngày thứ ba. Thứ tư hôm qua ĐTC chỉ có hai sinh soạt chính: ban sáng ngài chủ sự Thánh Lễ tại phi trường Maquechue ở Temuco, và ban chiều gặp gỡ giới trẻ tại đền thánh Đức Bà Maipu ở Santiago. Nhưng trước hết kính mời quý vị cùng chúng tôi theo dõi các sinh hoạt của ĐTC chiều ngày thứ ba 16 tháng giêng.
Sau khi cử hành Thánh Lễ tại công viên O’Higgins trong thủ đô Santiago ĐTC đã trở về Toà Sứ Thần Toà Thánh cách đó 18 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi đi thăm trung tâm cải huấn các nữ tù nhân. Trung tâm này có tên gọi là trung tâm Thánh Gioakim do các nữ tu Chúa Chiên Lành trông coi. Trong hơn một trăm năm đây là nơi giam giữ các phụ nữ phạm các tội nhẹ như trộm cắp, chỉ có vài trường hợp là tội giết người. Nhưng tình hình đã thay đổi: với việc buôn bán và nghiền ma tuý có nhiều phụ nữ phạm tội nặng bị nhốt tại trung tâm này. Tuy chỉ có 855 chỗ nhưng trong năm 2.000 số tù nhân đã lên tới 1.400. Hiện nay trung tâm tiếp nhận 45% các nữ tù nhân toàn nước Chile và được Giáo Hội Chile đặc biệt lưu tâm qua Văn phòng mục vụ nhà tù.
Xe chở ĐTC đã đến nhà tù lúc 4 giờ chiều giờ địa phương và ĐTC đã được bà giám đốc nhà tù cùng 5 linh mục tuyên uý tiếp đón gần nhà nguyện. Hai nữ tù nhân cùng các con của họ tặng hoa cho ĐTC. Tiếp đến ĐTC đi đến phòng thể thao, nơi có nữ tu Nelly León, phụ trách mục vụ, và 600 nữ tù nhân hiện diện.
Nhân danh các nhân viên mục vụ, các thiện nguyện viên xã hội, ban giám đốc và nhân viên làm việc trong nhà tù, cũng như các linh mục tuyên uý chị Nelly đã chào mừng ĐTC, bạn của dân nghèo, của công lý, của sự thiện và hoà bình, và cám ơn ngài đã tới thăm các tù nhân. 600 chị em tù nhân thuộc nhiều tôn giáo hiện điện trong nhà thể thao – được trang hoàng với các hình ảnh, gương mặt và lời nói được mọi nhà tù toàn Chile gửi tới – đại diện cho 50.000 tù nhân toàn nước. Chiị Nelly cho biết mỗi Chúa Nhật khi cùng nhau cử hành phụng vụ trong nhà nguyện Mục Tử Nhân Lành, các tù nhân làm chứng cho xác tín sự sống chiến thắng cái chết, sự thiện chiến thắng sự dữ, sự ngay thẳng của con tim chiến thắng cái khô cằn của lòng ích kỷ.
Bà Janett Zurita, đại diện cho các chị em tù nhân hiện diện và tất cả những người đã đánh mất sự tự do vì các lầm lỗi của mình, công khai xin lỗi những người đã bị thiệt thòi vì tội phạm của họ. Bà cũng xin ĐTC cầu nguyện cho các tù nhân và nhất là cho con cái của họ, tuy vô tội nhưng cũng phải chia sẻ các hệ lụy tù tội của mẹ. Các tù nhân kinh nghiệm được sự dịu hiền và lòng thương xót của Thiên Chúa, qua các linh mục tuyên uý, các nhân viên mục vụ và người thiện nguyện, cũng như qua tổ chức mục vụ “Espacios Mandela” và Hội “Phụ nữ đứng lên” trợ giúp họ học nghề, liên lạc với gia đình và chuẩn bị cho họ tái hội nhập xã hội.
Ngỏ lời với mọi người ĐTC nói:
Anh chị em thân mến, tôi xin cám ơn, cám ơn, cám ơn anh chị em vì những gì anh chị em đã làm, và cám ơn vì đã cống hiến cho tôi dịp may có thể gặp gỡ anh chị em. Đối với tôi thật là quan trọng chia sẻ lúc này với anh chị em và gần gũi biết bao nhiêu anh chị em hôm nay bị mất tự do. ĐTC đã đặc biệt cám ơn chị Janeth đã chia sẻ các khổ đau của chị và đã can đảm xin lỗi. Chúng ta tất cả đều học được từ thái độ can đảm và khiêm tốn này. Vì nó nhắc cho biết rằng không có thái độ như thế là chúng ta không là người nữa. Chúng ta tất cả đều phải xin lỗi, truớc tiên là tôi đây. Tất cả. Điều này khiến cho chúng ta là người. Vì nếu không có thái độ xin lỗi, chúng ta đánh mất đi ý thức đã sai lầm, và mỗi ngày chúng ta được mời gọi bắt đầu trở lại.
Trong lúc này tôi nhớ tới lời Chúa Giêsu đã nói : « Ai không có tội thì ném đá trước đi ! » (Ga 8,7). Anh chị em biết đấy, trong các bài giảng tôi thường nói rằng tất cả chúng ta đều phạm các lầm lỗi, nhưng chúng ta dấu nó bên trong. Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi. Ai không có tội thì giơ tay lên. Đã không có ai có can đảm giơ tay cả. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta từ bỏ cái luận lý quá đơn sơ chia rẽ thực tại thành người tốt người xấu, để bước vào trong một năng động khác có khả năng tiếp nhận sự giòn mỏng, các hạn hẹp và cả tội lỗi để giúp chúng ta tiến tới. Nhắc lại việc hai bà mẹ và các con nhỏ của họ đợi, chào đón và tặng hoa khi ngài bước vào trung tâm cải huấn, ĐTC suy tư về hai từ : mẹ, và các con và nói : nhiều người trong chị em là mẹ, và chị em biết trao ban sự sống có nghĩa là gì. Chị em đã biết mang trong cung lòng mình một sự sống và cho nó chào đời. Chức làm mẹ không phải và sẽ không bao giờ là một vấn đề, nhưng là một món quà, một trong những món quà tuyệt vời nhất mà chị em có thể có. Ngày nay chị em đang đứng trước thách đố sinh ra sự sống cho tương lai chào đời, làm cho nó lớn lên, trợ giúp nó phát triển, không phải chỉ cho chúng ta, nhưng cho con cái của anh chị em và toàn xã hội. Chị em có một khả năng thích ứng với các hoàn cảnh và tiến tới không thể tin được. Hôm nay tôi muốn mời gọi khả năng sinh ra tương lai sống trong mỗi chị em. Khả năng đó cho phép chiến đấu chống lại biết bao nhiêu chủ trương biến con người thành đồ vật, và kết thúc với việc giết chết niềm hy vọng. Không ai trong chúng ta là đồ vật cả. Chúng ta tất cả là các bản vị con người. Đừng để mình bị biến thành đồ vật.
Bị lấy mất đi sự tự do không đồng nghĩa với đánh mất đi các giấc mộng và niềm hy vọng. Thật cam go và đau đớn nhưng không có nghĩa là mất niềm hy vọng. Mất tự do không đồng nghĩa với không có phẩm giá. Không được đụng tới phẩm giá con người, trái lại cần săn sóc, giữ gìn, vuốt ne nó. Không được lấy mất phẩm giá của ai hết. Chị em mất tự do, vì thế cần chiến đấu chống lại mọi loại sáo ngữ, nhãn hiệu nói rằng không thể thay đổi hay không đáng công hoặc kết qủa luôn luôn như nhau. Không phải vậy đâu. Mỗi một cố gắng chiến đấu cho một ngày mai tốt đẹp hơn sẽ luôn luôn cho hoa trái và được tưởng thưởng.
Từ thứ hai là con cái : chúng là sức mạnh, chúng là niềm hy vọng, chúng là khích lệ. Chúng là lời nhắc nhở rằng cuộc sống được xây dựng bằng cách nhìn về phiá trước chứ không nhìn về phiá sau. Việc mất tự do không là tình trạng vĩnh viễn. Hãy nhìn về chân trời phiá trước, về việc tái hội nhập vào trong cuộc sống xã hội. Một hình phạt không tương lai không phải là một hình phạt nhân đạo, mà là một tra tấn. Mỗi một hình phạt là một món nợ phải trả cho xã hội, nhưng nó phải có một chân trời của việc hội nhập, vì vậy cần phải chuẩn bị cho việc hội nhập, hãy nhìn về việc hội nhập vào cuộc sống thường ngày trong xã hội. Chính vì thế tôi trân quý và mời gọi gia tăng mọi nỗ lực có thể, để các dự án như «Khoảng không Mandela » và « Hội Phụ nữ đứng lên » có thể lớn lên và được củng cố. Tên của hội nhắc nhớ biến cố Chúa Giêsu vào nắm tay bé gái con ông trưởng hội đường Do thái đã chết và nói với em : « Bé gái, Ta truyền cho con : hãy đứng đậy ! » (Mc 5,41). Thật đẹp biết bao có những người thiện tâm thuộc mọi tôn giáo có can đàm theo gương Chúa Giêsu và là dấu chỉ bàn tay giang ra nâng người khác dậy
** Chúng ta tất cả đều biết rằng hình phạt bỏ tù thường bị giản lược vào việc trừng phạt, mà không cống hiến các dụng cụ thích hợp giúp kích động các tiến trình thay đổi. Trái lại, các không gian này thăng tiến các chương trình học việc và đồng hành để tái lập các tương quan là dấu chỉ của niềm hy vọng và tuơng lai. Chúng ta hãy hoạt động để chúng lớn lên. Không đuợc chỉ giản lược an ninh công cộng vào các biện pháp kiểm soát nhiều hơn, nhưng nhất là với các biện pháp phòng ngừa, với việc làm, giáo dục và nhiều cuộc sống cộng đoàn hơn.
Với tâm tình này tôi muốn chúc lành cho các nhân viên mục vụ, các thiện nguyện viên, nhân viên, đặc biệt là các hiến binh và gia đình họ. Anh chị em có một nhiệm vụ tế nhị và phức tạp và vì thế tôi cầu chúc chính quyền cũng có thể bảo đảm cho anh chị em có các điều kiện cần thiết để làm việc với phẩm giá. Phẩm giá làm nảy sinh ra phẩm giá… Các hoa mà anh chị em tặng tôi sẽ đem dâng cho Đức Me nhân danh tất cả anh chị em.
Trung tâm cải huấn đã tặng ĐTC một ảnh Đức Mẹ nổi bằng gốm mầu trắng, xanh da trời và vàng thuộc loại đất sét nung kiểu vùng Toscana theo nghệ thuật đã có từ năm 1400.
Trước khi rời trung tâm cải huấn, ĐTC đã chụp hình lưu niệm với các nhân viên làm việc tại trung tâm. Sau đó ngài đi xe đến quảng trường Arma strong thủ đô Santiago rồi đến nhà thờ chính toà để gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh.
Nhà thờ chính toà dâng kính Đức Mẹ hồn xác lên Trời là kết quả của nhiều công trình xây cất dọc dài các thế kỷ. Nhà thờ đầu tiên được xây năm 1600, nhưng sau đó bị ba trận động đất làm hư hại vào các năm 1648, 1657 và 1730 khiến cần phải xây nhà thờ mới như hiện nay. Công việc xây cất bắt đầu năm 1748 do hai cha dòng Tên người Đức là Pedro Vogl và Juan Hogen cùng với kỹ sư Matias Vasquez Acunha đảm trách. Nhà thờ mới được thánh hiến năm 1775. Năm năm sau kỹ sư người Ý Gioachino Toesca canh tân mặt tiền theo kiểu tân cổ điển. Ngày 21 tháng 5 năm 1840 ĐGH Gregorio XVI nâng nhà thờ lên hàng chính toà. Trong một ngày năm Thánh Lòng Thương Xót 2016 nhà thờ chính toà đã trở thành nhà ăn cho người nghèo. Sáng kiến này của ĐHY Ricardo Ezzati Andrello đã được lập lại hồi tháng 8 năm ngoái.
** ĐTC được ĐHY TGM Santiago và kinh sĩ đoàn tiếp đón tại cửa vào và tháp tùng đến nhà nguyện Thánh Thể để ngài viếng Mình Thánh Chúa trong giây lát. Tiếp đến hai tu sĩ một nam một nữ đã tặng hoa cho ĐTC, ngài đã đặt hoa trên bàn thờ chính trước ảnh Đức Mẹ. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra dưới hình thức một buổi cử hành Lời Chúa.
Sau lời chào mừng của ĐHY Ricardo Ezzati, TGM Santiago, ĐTC đã quảng diễn trình thuật Phúc Âm kể lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu phục sinh với Phêrô và vài tông đồ bên bờ hồ Galilea, nơi các ông trở lại với nghề đánh cá, nhưng không bắt được gì. Trong cuộc gặp gỡ ấy Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô có yêu Ngài không và giao cho ông nhiệm vụ chăn dắt Giáo Hội, như thánh Gioan kể lại trong chương 21. Áp dụng vào hiện tình của Giáo Hội tại Chile ĐTC đề cập đến ba thời điểm trong cuộc sống của tông đồ Phêrô và cộng đoàn kitô tiên khởi: Phêrô thất vọng, Phêrô được tha thứ, Phêrô được biến đổi.
Cũng như kinh nghiệm của các tông đồ luôn luôn bao gồm hai khiá cạnh cá nhân và cộng đoàn, các người sống đời thánh hiến được mời gọi một cách riêng rẽ, nhưng luôn luôn là thành phần của một nhóm lớn hơn. Phúc Âm không sợ cho chúng ta thấy các lúc khó khăn và cả xung đột, mà các môn đệ đã phải trải qua. Bên cạnh các lưới trống rỗng không có con cá nào, họ còn có một sự trống rỗng khác đè nặng con tim: đó là sự lạc lõng và đảo lộn nội tâm vì cái chết của Thầy. Nó đã gây ra nơi họ một cơn lốc xoáy các xung đột: Phêrô đã chối bỏ Ngài, Giuđa đã phản bội Ngài và các người khác đã chạy trốn. Chỉ còn có vài phụ nữ và môn đệ yêu dấu ở lại. Đó là các giờ của lạc hướng và đảo lộn nội tâm trong cuộc đời của người môn đệ. Trong những lúc cơn lốc của các bách hại, khổ đau ngờ vực dâng lên vì các biến cố văn hoá lịch sử, thật không dễ tìm lại con đường phải theo. Có rất nhiều cám dỗ, nhưng cám dỗ tệ hại nhất là dừng lại và nhai lại nỗi khổ đau. Như ĐHY Ezzati đã nói: “Cuộc sống linh mục và thánh hiến tại Chile đang trải qua các giờ phút khó khăn của hỗn loạn và các thách đố không nhỏ. Cùng với sự trung thành của đại đa số cũng có cỏ lùng của sự dữ lớn lên với gương mù gương xấu theo sau và sự đảo tẩu”. Tôi biết nỗi đớn đau của các vụ lạm dụng trẻ vị thành niên và tôi chú ý theo dõi những gì anh chị em làm để thắng vượt sự dữ nghiêm trọng và đau đớn này. Đau đớn vì tai hại và nỗi khổ của các nạn nhân và gia đình họ, thấy sự tin tưởng họ đặt nơi các vị thừa tác của Giáo Hội bị phản bội. Đau đớn cho các cộng đoàn giáo hội và đau đớn cho anh em, ngoài sự mệt nhọc của việc tân tụy lại còn phải sống sự tai hại gây ra bởi sự nghi ngờ và tranh luận có thể khiến cho nhiều người nghi ngờ, sợ hãi và mất tin tưởng. Tôi biết anh em đã bị sỉ nhục trên tầu điện hay khi đi trên đường, hay việc mặc áo linh mục đi vào nhiều vùng phải trả giá mắc mỏ. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta sự sáng suốt gọi thực tại với tên của nó, và can đảm xin lỗi cũng như khả năng lắng nghe điều Chúa đang nói với chúng ta.
** Tiếp tục bài nói chuyện với các linh mục tu sĩ và chủng sinh ĐTC nói: Xã hội Chile ngày nay rất khác với xã hội Chile hồi tôi được đào tạo. Có các hình thức văn hoá mới khác nhau nảy sinh không thích hợp với các khung cảnh cũ. Chúng ta phải công nhận rằng nhiều khi chúng ta không biết hội nhập vào trong các hoàn cảnh mới này như thế nào. Thường khi chúng ta ước mơ “củ hành Ai Cập”, mà quên rằng đất hứa ở đàng trước, và có thể rơi vào cám dỗ khép kín và tự cô lập mình để bênh vực các lập trường và địa vị của chúng ta. Chúng ta cũng có thể bị cám dỗ nghĩ rằng mọi sự đều xấu xa, và thay vì loan báo tin vui thì lại chỉ tuyên xưng cái bất khả năng và thất vọng của chúng ta. Dù muốn hay không, chúng ta phải đương đầu với thực tại cá nhân, cộng đoàn và xã hôị như nó là. Hình ảnh các môn đệ mạnh mẽ, can đảm sinh động, cảm thấy mình được mời gọi theo Chúa Giêsu, chắc chắn về mình, sẵn sàng vào tù hay chết vì Thầy, bênh vực Thầy tới độ muốn xin lửa trời xuống đốt trái đất, rút gươm ra để chiến đấu, quở trách Thầy như Phêrô đã làm, không còn nữa.
Đây là giờ của sự thật trong cuộc sống của cộng đoàn tiên khởi. Phêrô sống kinh nghiệm sự hạn hẹp yêu đuối và tội lỗi của mình. Điều tương tự có thể xảy ra cho chúng ta như môn đệ và như Giáo Hội. Có những lúc trong đó chúng ta đương đầu với các vinh quang và yếu đuối của chúng ta. Nhưng đó cũng là những giờ phút nảy sinh ra người tông đồ.
Chúa Giêsu đã chỉ hỏi Phêrô một câu thôi: “Con có yêu Thầy không?”. Ngài không quở trách và lên án. Điều duy nhất Ngài muốn là cứu Phêrô khỏi nguy cơ khép kín trong tội lỗi và nhai lại nỗi đớn đau sự hạn hẹp của mình, làm suy giảm mọi thiện ích đã sống với Ngài. Chúa muốn cứu ông khỏi thái độ tàn phá của chủ trương coi mình là nạn nhân, hay rơi vào chỗ coi mọi sự như nhau, không dấn thân và tương đối hoá mọi sự, coi mọi người chống lại mình là kẻ thù, hay không thanh thản chấp nhận các phản bác hay phê bình, buồn sầu và chán nản. Chúa Giêsu mời Phêrô lắng nghe con tim mình và học biết phân định. Vì Chúa không bảo vệ sự thật mà hy sinh bác ái, hay bảo vệ bác ái mà hy sinh sự thật, cũng không bảo vệ thế quân bình mà hy sinh cả hai.
Giữa các tội lỗi, hạn hẹp bần cùng và sa ngã của chúng ta Chúa Giêsu đến giơ tay cho chúng ta, và dùng lòng thương xót đối với chúng ta. Chúng ta không hơn người khác, nhưng được sai đi với ý thức là những người được tha thứ… ĐTC định nghĩa người được thánh hiến như sau:
** Người được thánh hiến là người gặp gỡ các dấu chỉ của sự Phục Sinh trong chính các vết thương của mình, và trông thấy trong các vết thương của thế giới sức mạnh của sự Phục Sinh và giống Chúa Giêsu không gặp gỡ các anh em khác để trách mắng và lên án. Một Giáo Hội với các vết thương có khả năng hiểu các vết thương của thế giới ngày nay và lấy chúng làm của mình, khổ đau, đồng hành với chúng và tìm chữa lành chúng. Ý thức có các vết thương giải phóng chúng ta khỏi trở thành những người tự quy chiếu tin rằng mình cao hơn người khác, vì tuân giữ các điều lệ xác định hay vì trung thành với một loại công giáo riêng của quá khứ.
Nơi Chúa Giêsu các vết thương của chúng ta được phục sinh, chúng giúp chúng ta liên đới, phá hủy các bức tường giam hãm chúng ta trong thái độ ưu việt để kích thích chúng ta xây cầu và đi gặp gỡ biết bao nhiêu người khát khao tình yêu thương xót mà chỉ có Chúa Kitô mới có thể cống hiến… Biết bao lần chúng ta có các thái độ bành trướng, chiếm chỗ, xuất hiện phô trương, mà không xắn tay áo đi gặp và sờ mó thực tại khổ đau của dân chúng. Thánh Hurtado có nói: “sẽ là sai tất cả các phương pháp được áp đặt để đồng phục, tất cả các phương pháp yêu sách hướng chúng ta tới Thiên Chúa mà lại khiến cho chúng ta quên các anh em khác; tất cả những phương pháp làm cho chúng ta nhắm mắt với vũ trụ, thay vì dậy chúng ta mở mắt để nâng mọi sự lên với Đấng tạo thành mọi vật; tất cả các phương pháp khiến cho chúng ta ích kỷ và khép kín trong chính mình đều sai”.
Dân Chúa không cần các siêu anh hùng, nhưng cần các chủ chăn, các người thánh hiến biết cảm thương và giơ tay cho người đã ngã như Chúa Giêsu.
Kinh nghiệm được Chúa rửa chân khiến cho Phêrô hiểu rằng sự cao cả đích thực đi qua việc trở nên bé nhỏ và phục vụ. Qua kinh nghiệm tội lỗi, các hạn hẹp và yếu đuối Phêrô khám phá ra nơi Chúa Giêsu rằng các vết thương của mình có thể là con đường của sự Phục Sinh. Biết Phêrô chán nản để hiểu Phêrô được biến đổi là lời mời gọi từ một Giáo Hội của những người phiền muộn bước sang một Giáo Hội phục vụ Chúa nơi những người đói khát, bị tù tội, vô gia cư, trần truồng, đau yếu. Một việc phục vụ không đồng hoá với chủ trương cứu trợ hay óc cha chú.
Canh tân lời ngôn sứ là canh tân dấn thân của chúng ta không chờ đợi một thế giới lý tưởng, một cộng đoàn lý tưởng, một môn đệ lý tưởng để sống và loan báo Tin Mừng, nhưng là tạo ra các điều kiện để mọi người phiền muộn có thể gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta không yêu các tình trạng, cũng không yêu các cộng đoàn lý tường, nhưng yêu thương con người…
Mỗi khi chúng ta tìm trở về nguồn và phục hồi sự tươi trẻ nguyên thuỷ của Tin Mừng, thì nảy sinh ra các con đường mới, các phương pháp sáng tạo, các hình thức diễn tả khác, các dấu chỉ hùng hồn, các lời tràn đầy ý nghĩa đối với thế giới ngày nay. Giáo Hội mà tôi yêu mến là Giáo Hội của mọi ngày.
Diễn văn của ĐTC đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay tán đồng của mọi người hiện diện.
Tiếp đến ĐTC đã gặp 50 Giám Mục Chile trong nhà mặc áo của nhà thờ chính toà. HĐGM Chile gồm 34 Giám Mục của 5 Tổng giáo phận và 20 giáo phận, một giám quản tông toà, một qiáo quận và một Giám Mục quân đội.
** Sau lời chào mừng của ĐC Santiago Silva Retamales, Chủ tịch HĐGM Chile, ĐTC đã ngỏ lời với các GM và khích lệ các vị sống tình hiền phụ và gần gũi chăm sóc các linh mục tu sĩ và chủng sinh, noi gương thánh Giuse. Vì nếu mục tử bị phân tán, thì đoàn chiên cũng sẽ bị tản mác và làm mồi cho chó sói. Một tình hiền phụ không phải là chủ trương cha chú cũng không phải là lạm dụng quyền hành, nhưng giúp lớn lên và phát triển các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần muốn đổ tràn đầy trên các linh mục.
Một trong các vấn đề mà các xã hội của chúng ta ngày này phải đương đầu là cảm tưởng mình mồ côi, không thuộc về ai hết. Nó cũng có thể thấm nhập chúng ta và hàng giáo sĩ, khiến cho chúng ta quên rằng mình là thành phần của Dân Thiên Chúa, và Giáo Hội không là và sẽ không bao giờ là một giai tầng ưu việt các người thánh hiến, linh mục hay giám mục. Quên đi điều này có nguy cơ rơi vào các kinh nghiệm sai lạc cá nhân, cộng đoàn và chức thừa tác mà Giáo Hội đã trao phó cho chúng ta. Thiếu ý thức tuỳ thuộc Dân Thiên Chúa như người phục vụ chứ không phải chủ nhân có thể dẫn chúng ta tới một trong các cám dỗ gây thiệt hại cho năng động truyền giáo, mà chúng ta được mời gọi thăng tiến: đó là chủ trương duy giáo sĩ là một hí hoạ của ơn gọi đã nhận lãnh. Việc thiếu ý thức rằng truyền giáo là sứ mệnh của toàn thể Giáo Hội chứ không phải của linh mục hay giám mục, hạn chế chân trời và tệ hơn nữa hạn chế mọi sáng kiến Chúa Thánh Thần có thể khơi dậy giữa chúng ta. Đề cập tới tương quan với giáo dân ĐTC nói:
Chúng ta hãy nói lên điều này cách rõ ràng: các giáo dân không phải là tôi tớ của chúng ta, cũng không phải là các ngườì làm công của chúng ta. Họ không được lập lại như két điều chúng ta nói. Chủ trương duy giáo sĩ không thúc đẩy các đóng góp và đề nghị khác nhau, nhưng dập tắt từ từ ngọn lửa ngôn sứ mà toàn Giáo Hội được mời gọi làm chứng giữa lòng các dân tộc. Óc duy giáo sĩ quên rằng sự hữu hình và tính bí tích của Giáo Hội là của toàn dân Thiên Chúa chứ không phải chỉ là của ít người ưu việt và được soi sáng. Tiếp đến ĐTC đã yêu cầu các Giám Mục săn sóc việc đào tạo các linh mục tương lai làm sao để họ có khả năng phục vụ dân Chúa, bằng cách nhận biệt sự khác biệt của các nền văn hoá và khước từ mọi hình thức duy giáo sĩ. Các linh mục tương lai phải ý thức rằng họ sẽ thi hành chức thừa tác trong một xã hội tục hoá, vì vậy họ cần được chuẩn bị làm việc trong một khung cảnh cụ thể chứ không phải trong các thế giới hay tình trạng lý tưởng, đặc biệt là biết chung vai sát cánh với giáo dân trong một bầu khí phân định và tinh thần công nghị. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần ơn mơ mộng và lựa chọn hoạt động truyền giáo và ngôn sứ có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, kiểu cách, giờ giấc, ngôn ngữ và mọi cơ cấu giáo hội trở thành dụng cụ thích hợp cho công tác rao truyền Tin Mừng tại Chile.
Trước khi từ giã ĐTC đã chụp hình lưu niệm với các GM rồi đi ra phiá cửa sau nhà thờ chính toà, nơi có 10 đại diện các Giáo Hội Kitô khác và các tôn giáo không kitô chờ đợi ngài. Sau khi chào các vị ĐTC lên xe đi thăm đền thánh Alberto Hurtado dòng Tên và gặp gỡ các tu sĩ của dòng.
** Đền thánh dâng kính thánh Alberto Hurtado, là linh mục dòng Tên sinh năm 1901, qua đời năm 1952, và là người đã thành lập “Hogar Cristo” trung tâm tiếp đón những người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Cha qua đời khi mới 51 tuổi vì bị bệnh và đã được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 14 tháng 10 năm 1994 và đươc Đức Biển Đức XVI phong hiển thánh ngày 23 tháng 10 năm 2005. Đền thánh do kỹ sư Cristian Undurraga, là một trong những kỹ sư nổi tiếng nhất Chile xây cất, với mầu đỏ thắm tọa lạc trong khu phố nhà ga trung ương Santiago và được khánh thành năm 1995. Bên trong có mộ của thánh Alberto Hurtado đựng đất của mọi miền đất nước tượng trưng cho tình yêu của tín hữu toàn nước đối với vị thánh của dân nghèo. Trước đó xác của ngài được giữ trong nhà nguyện las Bienaventuranzas của giáo xứ thánh Giuse Thợ. Giáo xứ này hiện còn giữ một thách tích là một lóng ngón tay trái của thánh nhân. Chính tại đây Đức Gioan Phaolô II đã quỳ cầu nguyện trong chuyến viếng thăm Chile năm 1987.
Phía trước đền thánh là quảng trường rộng 5.000 mét vuông, chung quanh có các cây cọ biểu tượng cho các cây cột của một đền thờ, ở chính giữa có một bàn thờ cho các buổi cử hành phụng vụ. Trong quần thể đền thánh cũng còn có một viện bảo tàng rộng 700 mét vuông và cao 7 mét, cũng do kỹ sư Undurraga xây. Bên trong trưng bầy các đồ vật thánh Hurtado dùng hằng ngày khi còn sống, trong đó có một chiếc xe chở hàng mầu xanh cha Hurtado dùng để đem thực phẩm phân phát cho dân nghèo trong thành phố.
Sau khi viếng thăm đền thánh và gặp các tu sĩ dòng Tên ĐTC đã trở về Toà Sứ Thần Toà Thánh để dùng bữa tối và nghỉ qua đêm.
Sáng thứ tư 17 tháng giêng lúc 7 giờ 20 ĐTC đã rời Toà Sứ Thần Toà Thánh để ra phi trường lấy máy bay đi Temuco, cách Santiago 618 cây số. Trước khi lên máy bay ĐTC đã chào 20 người thuộc Ban tổ chức chuyến viếng thăm của ngài tại Chile.
Sau 1 giờ 20 phút máy bay đã đáp xuống phi trường La Araucania. Có một nhóm trẻ em và một ca đoàn hát mừng ĐTC tại phi trường. Ngài được chào đón bởi ĐC Hector Eduardo Vargas Bastidas, GM Temuco, ĐC Francisco Javier Stegmeier GM Villaria chủ tịch các GM miền, cùng các tỉnh trưởng Temuco, Padre de las Casas và Freire.
Temuco, thủ phủ vùng La Araucania, là thành phố có hơn 290 ngàn dân cư và ở trên độ cao 674 mét, nằm trên bờ sông Cautin và được bao bọc bởi đồi Nhiebol và Conun Huenu. Đây là vùng đất thổ dân Mapuche sinh sống nên thành phố vẫn còn mang dấu tích của nền văn hoá và kiểu sống của họ. Cũng chính tại đây bà Gabriela Mistral và ông Pablo Neruda, hai nhân vật nổi tiếng từng nhận giải Nobel, đã sinh sống vào các thập niên đầu thế kỷ XX.
** Thành phố do quân đội Chile xây ngày 24 tháng hai năm 1881 như pháo đài để chống trả các cuộc tấn công của thổ dân Indios. Ông Manuel Recabaren người đảm trách việc xây cất gọi nó là pháo đài Recabaren hay pháo đài Temuco, trong tiếng Mapuche có nghĩa là “nước temu” là một loại cỏ thuốc thuộc gia đình mộc dược. Những người thuộc địa mau chóng biến pháo đài quân sự thành thủ phủ toàn vùng này với dân số lên tới 7.000 sau 10 năm thành lập. Ngày nay Temuco là một thành phố hành chánh, thương mại, đại học và văn hoá nổi tiếng với Đại học biên giới và Đại học công giáo. Năm 2010 thành phố bị hư hại vì một trận động đất khiến cho một số dinh thự bị hư hại hiện nay vẫn còn đang được tu sửa. Nổi tiếng có quảng trường Armas Anibal Pinto hay quảng trường Armas Temuco, được đặt theo tên của tổng thống Chile giữa các năm 1876-1881. Vùng cao nhất thành phố là Cerro Nhielol rộng 87 mẫu tây có cây cỏ và thú vật, xưa kia được thổ dân Mapuche dùng để cử hành các lễ nghi khác nhau. Đây là vùng thiên nhiên được che chở và bảo vệ. Ngoài ra còn có chợ của toà thị sảnh nơi có bán các thổ sản tiểu công nghệ Mapuche và đại lộ Alemania.
Giáo phận Temuco được thành lập năm 1925, rộng hơn 17 ngàn cây số vuông có hơn 630 ngàn dân cư, trong đó có 403 ngàn tín hữu công giáo, sống trong 37 giáo xứ. Nhân lực của giáo phận gồm 49 linh mục triều, 21 nữ tu, 46 phó tế, 4 đại chủng sinh, 31 tu huynh, 125 thành viên các dòng nữ. Giáo Hội điều khiển 322 cơ sở giáo dục và 10 trung tâm bác ái.
Từ phi trường ĐTC đã đi xe tới sân bay Maquehue cách đó 23 cây số. Phi trường này có chỗ cho 400.000 người. Nó đã được khánh thành năm 1928 và được nới rộng trong thập niên 1990. Hiện nay phi trường này đã đóng cửa vì các chuyến bay thương mại đã được chuyển về phi trường quốc tế La Araucania. Trước khi lên xe díp đi một vòng để chào tín hữu ĐTC đã chào vị chỉ huy phi trường.
Thánh lễ về đề tài “Phát triển các dân tộc” đã bắt đầu lúc 10 giờ rưỡi. Trong số các tín hữu tham dự có đại diên của các bộ lạc thổ dân toàn vùng La Araucania. Thánh lễ đã được linh hoạt bởi các bài thánh ca và vũ điệu với nhiều yếu tố văn hoá thổ dân.
** Giảng trong Thánh Lễ ĐTC cảm tạ Thiên Chúa vì vùng đất Araucania mầu mỡ xanh tươi xinh đẹp, nhưng cũng có biết bao khổ đau, bất công, và vi phạm các quyền con người gây ra chết chóc đã xảy ra ngay tại sân bay nơi cử hành thánh lễ. Lời Chúa Giêsu cầu nguyện cho hiệp nhất trong Phúc Âm cho biết Ngài đã cảm thấy trong con tim một trong các đe dọa tệ hại nhất sẽ tấn kích dân Chúa và toàn nhân loại: đó là sự chia rẽ, đụng độ, đàn áp lẫn nhau. Vì thế cần cầu nguyện và không cho phép đụng độ và chia rẽ xảy ra.
Một trong các cám dỗ chính là việc lẫn lộn sự hiệp nhất với đồng nhất. Chúa Giêsu đã không xin Thiên Chúa Cha cho mọi người bằng nhau, giống nhau, bởi vì sự hiệp nhất không nảy sinh và sẽ không nảy sinh từ việc trung lập hay bịt miệng các khác biệt. Vẻ đẹp của một vùng đất nảy sinh từ sự kiện mọi thành phần biết chia sẻ sự khôn ngoan của mình với người khác. Sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu xin và cống hiến thừa nhận điều mà mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá được sai đi đem đến cho vùng đất được chúc lành này. Sự hiệp nhất là một sự khác biệt được hoà giải, bởi vì nó không chấp nhận biện minh cho các bất công cá nhân và tập thể được thi hành nhân danh nó. Chúng ta phải gạt bỏ cái luận lý tin rằng có các nền văn hoá cao hay thấp. Một cái áo choàng Chamel đòi hỏi các người dệt nó biết nghệ thuật hoà hợp các chất liệu và mầu sắc khác nhau. Nghệ thuật của sự hiệp nhất đòi hỏi có các tay thủ công nghệ đích thực biết hoà hợp các khác biệt trong các phòng thí nghiêjm của các làng mạc, đường sá, quảng trường và quang cảnh.
Sự hiệp nhất mà các dân tộc của chúng ta cần có đòi hỏi chúng ta lắng nghe nhau và nhất là thừa nhận nhau. Điều này không có nghĩa là nhận các tin tức liên quan tới các người khác. Nhưng là tiếp nhận điều Thần Khí đã gieo nơi họ như là một ơn cho cả chúng ta.
Liên đới là phương thế dệt sự hiệp nhất và xây dựng lịch sử khiến chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần nhau trong các khác biệt.
Để xây dựng hiệp nhất không thể chấp nhận bạo lực như phương thế. Có hai hình thức bạo lực đe dọa các tiến trình hiệp nhất: Thứ nhất là các thoả hiệp hay đẹp gồm các từ hoa mỹ không bao giờ được thực hiện. Nó khiến cho niềm hy vọng bị cưỡng đoạt Thứ hai không thể ủng hộ rằng một nền văn hoá thừa nhận nhau không thể xây dựng trên nền tảng của bạo lực và phá huỷ với giá của mạng sống con người. Không thể đòi hỏi việc thừa nhận bằng cách hủy hoại tha nhân, vì nó chỉ tạo ra bạo lực và chia rẽ. Bạo lực sinh ra bạo lực. Tàn phá gia tăng đổ vỡ và chia rẽ. Bạo lực rốt cuộc khiến cho lý do chính đáng nhất trở thành dối trá. Các thái độ này giống như phún thạch của núi lửa tàn phá, thiêu rụi mọi sự và chỉ để lại cằn cỗi và thê lương.
Linh Tiến Khải
vi.radiovaticana.va