“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 1, 35 – 42)
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.
Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Hành Trình Ơn Gọi ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Các Anh Tìm Gì Thế? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Truyền Giáo Trong Thế Giới Ảo Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Ba Bước Tiếp Cận Chúa Giêsu Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Tiếng Gọi Hạt Nắng Trg 10
Tiếng Gọi Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Tiếng Gọi M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Vui Bước Đăng Trình Nắng Sài Gòn Trg 13
Chúa Đợi Con AP. Mặc Trầm Cung Trg 14
Hành Trình Ơn Gọi
Các bài sách thánh hôm nay đều nói về ơn gọi. Ơn gọi của Samuel thật lạ lùng. Còn ơn gọi của Anrê và Gioan diễn ra nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, dù mạnh mẽ lạ lùng hay nhẹ nhàng bình thường, hành trình ơn gọi nào cũng trải qua bốn giai đoạn.
1- Giai đoạn thứ nhất: Chúa kêu gọi.
Việc Chúa kêu gọi không xảy ra tức khắc trong một lần, nhưng diễn tiến tuần tự, chậm rãi với mức độ tăng dần, tuỳ sự đón nhận của người nghe.
Thoạt tiên là một lời kêu gọi nhẹ nhàng qua một thiên hướng, một ước nguyện của người thân, một gương mẫu, một thần tượng. Ở Samuel, đó là ước nguyện của bà mẹ muốn tạ ơn Chúa. Ở Anrê và Gioan, đó là thiên hướng đi tìm lý tưởng.
Sau đó, Chúa có thể dùng các trung gian dẫn ta đến với Chúa. Trong trường hợp Samuel, người trung gian là thày cả Hêli. Còn trong trường hợp Anrê và Gioan, thánh Gioan Baotixita đã làm trung gian đưa hai môn đệ đến với Đức Giêsu.
2- Giai đoạn hai: Ta đáp trả.
Nếu ta trung thành đáp trả mỗi khi nghe tiếng Chúa kêu gọi, Chúa sẽ tiếp tục gọi ta đi vào những đoạn đường mới, mỗi lúc một khó khăn hơn. Tiếng Chúa mời gọi mỗi lúc một mãnh liệt hơn, đòi hỏi ta phải trả lời mỗi lúc một dứt khoát hơn. Cho đến một thời điểm quyết định, Chúa sẽ đưa ra lời mời gọi cuối cùng đòi ta trọn vẹn dấn thân lên đường theo Chúa. Với Samuel, việc Chúa ba lần cất tiếng gọi chứng tỏ Chúa tha thiết muốn tuyển chọn ông. Với Anrê và Gioan, việc Đức Giêsu mời hai ông đến chỗ Ngài ở đã khiến hai ông phải dứt khoát với quá khứ để bắt đầu một giai đoạn mới.
3- Giai đoạn ba: Sống thân mật với Chúa.
Tuyệt đỉnh của ơn gọi không phải là làm việc cho Chúa, nhưng là sống thân mật với Chúa. Chúa không kêu gọi ta theo một chủ thuyết nhưng kêu gọi ta theo Chúa. Ta đến với Chúa không phải để học những bài học lý thuyết nhưng để tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống của Chúa là sự sống thần linh nâng ta lên hưởng nếm sự ngọt ngào của tình Cha – Con thắm thiết. Sự sống của Chúa là tình yêu đưa ta vào hạnh phúc của người biết mình được yêu thương.
Trong tình yêu Thiên Chúa, tâm hồn ta được gột rửa sạch mọi tội lỗi.
Trong tình yêu Thiên Chúa, trái tim ta trở nên dịu dàng, hiền hoà rộng mở để tha thứ và đón nhận mọi người.
Hạnh phúc sống trong tình yêu Thiên Chúa lớn lao đến độ biến đổi toàn bộ cuộc đời ta. Ai đã một lần nếm cảm sẽ không còn mơ ước điều gì khác nữa.
Sau khi được tiếp xúc thân mật với Chúa, trọn cuộc đời Samuel hoàn toàn dâng hiến cho Chúa. Sau một buổi chiều thân mật sống với Đức Giêsu, hai tông đồ Anrê và Gioan gắn bó với Người, cho đến chết vì Người.
4- Giai đoạn bốn: Làm chứng cho tình yêu Chúa.
Cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa rồi, ta sẽ không thể làm điều gì khác hơn là ra đi làm chứng về tình yêu đó. Giống như dòng suối sung mãn tràn xuống thành thác, tâm hồn tràn đầy tình yêu sẽ cất lên thành lời ca tụng, giới thiệu tình yêu Thiên Chúa cho mọi người.
Sau khi gặp Đức Giêsu, Anrê vội vã đi tìm em là Phêrô để dẫn đến giới thiệu với Người. Từ đó, Anrê theo Đức Giêsu cho đến cuối đời. Ông đã đem chính mạng sống làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Ông đã đổ máu ra để chứng thực tình yêu ấy. Ông dám khước từ cuộc sống trần gian vì ông đã biết đến hạnh phúc đích thực trong tình yêu Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi đến sống thân mật với Người trong tình Cha-Con thắm thiết.
Lời Chúa vang lên khi ta chịu phép Rửa tội.
Lời Chúa tiếp tục mời gọi ta khi ta lãnh nhận các bí tích, khi ta nghe sách thánh, khi ta học giáo lý, khi ta tĩnh tâm, nghe giảng.
Lời Chúa lúc thì nhẹ nhàng thoang thoảng, khi thì mãnh liệt thiết tha. Nhiều lúc ta tưởng đến nhà thờ vào ngày Chủ nhật là đã đáp lại tiếng Chúa mời gọi, nhưng không phải. Chúa không mời gọi ta chỉ đi lễ như trả nợ. Chúa muốn ta thực sự gặp gỡ Người, tiếp xúc thân mật với Người, sống thân thiết với Người trong tình con thảo.
Hành trình đức tin của người Kitô hữu là một hành trình đi về với Chúa. Sau bao nhiêu năm giữ đạo, tôi đã đi đến đâu? Tôi đã thực sự gặp được Chúa chưa? Tôi đã tiến đến gần Chúa chưa? Hay là tôi mới ở khởi điểm? Hãy đến, Chúa đang mời gọi ta. Chúa đang chờ đợi ta. Chúa đang mở rộng vòng tay, mở rộng trái tim để đón ta đến sống trong tình yêu của Người. Tình yêu ấy là hạnh phúc muôn đời của ta.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Có khi nào bạn nghe thấy tiếng Chúa mời gọi không?
2- Bạn đã quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi chưa?
3- Có bao giờ bạn cảm nghiệm được tình yêu của Chúa chưa?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Các Anh Tìm Gì Thế?
Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng, tông đồ Gioan – tác giả cuốn Tin Mừng thứ tư đã phỏng theo Sáng Thế Ký mô tả cuộc sáng thế phân bổ trong thời gian bảy ngày để nói về cuộc gặp gỡ và khám phá con người Đức Giêsu của các môn đệ cũng trong bảy ngày (số bảy là con số hoàn hảo chăng?) (1:29.35.43 và 2:1). Tuần lễ khám phá khởi đầu bằng một khẳng định của Gioan Tẩy Giả: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (1:26) tương tự như sự hỗn mang của vũ trụ lúc khởi thủy. Trong tuần lễ ấy Gioan Tẩy Giả sẽ là người đầu tiên khám phá Đức Giêsu; sau đó đến lượt các môn đệ Gioan, Anrê và Simon, Philipphê và Nathanaen; ngày cuối của ‘tuần lễ khám phá’ chính là ngày tiệc cưới tại Cana, khi ‘Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên… và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người’ (2:11). Đúng là ngày sung mãn, ngày nghỉ ngơi của cả một công trình vĩ đại; thật vĩ đại thay việc khám phá ra dung mạo của Thiên Chúa hiện diện giữa trần gian!
Thế nhưng vì sao mà cuộc gặp gỡ và khám phá Đức Giêsu lại được coi là quan trọng như vậy; quả thật đối với các môn đệ, nhất là với môn đệ Gioan, sau nhiều năm tháng kể cả khi bóng đã xế chiều, ông vẫn còn nhớ như in tới từng chi tiết cuộc gặp gỡ và tìm hiểu đầu tiên: ‘lúc đó vào khoảng giờ thứ mười’ của ngày thứ ba (hôm sau) (câu 35) của tuần lễ khám phá…; chính vì thế mà từng chi tiết lời thoại cũng như hành động trong cuộc gặp gỡ này, cũng đầy ý nghĩa và cần được ghi lại cách chính xác nhất.
– Các anh tìm gì thế?
Câu nói đầu tiên của Đức Giêsu được tác giả Gioan ghi nhận trong sách Tin Mừng của ông cũng thật kỳ lạ. Lẽ ra khi phát hiện ra hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đang đi theo mình, câu hỏi tự nhiên sẽ phải là, ‘các anh đang tìm ai vậy?’ Đó phải chăng chính là điều hai môn đệ đang muốn biết sau lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả ‘Đây là Chiên Thiên Chúa!’; hai ông muốn biết thêm về nhân vật bí ẩn ‘đang đứng giữa các ông mà không ai hay biết’. Câu hỏi của Đức Giêsu đòi các ông: phải nhìn vào việc khám phá Con Người từ một góc độ hoàn toàn khác. Biết Đức Giêsu là ai sẽ chỉ là lý thuyết và chẳng đưa tới đâu, nếu không xuất phát từ một khát vọng thâm sâu tự chính cõi lòng mỗi người; tôi tìm hiểu một người tùy theo mức độ người đó có liên quan gì đến tôi. Nhiều người (kể cả không phải là Kitô hữu, thậm chí không phải tín hữu…) tra cứu học hỏi Kinh Thánh và thân thế sự nghiệp Đức Giêsu, nhưng chỉ có Kitô hữu mới biết được Người là Đấng Cứu Độ của mình và của toàn nhân loại; phải chăng đức tin hệ tại ở việc ‘tìm kiếm’ này, hơn là ở sự ‘hiểu biết’?
-Thưa Thầy, Thầy ở đâu? – Hãy đến mà xem – Họ đã đến, xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy.
Cả câu hỏi lẫn câu trả lời, và sự việc diễn ra sau đó trong cuộc gặp gỡ đầu tiên đều không có chút gì là tri thức, là trừu tượng, là giải thích rườm rà… đơn giản chỉ xoay quanh một trải nghiệm. Thường tình thì người môn đệ phải lấy việc học tập nghiên cứu học thuyết của sư phụ làm chính, phải tìm tòi hiểu biết tinh thần, đường lối trước khi chấp nhận theo thầy học đạo. Đàng này Gioan cho biết tất cả những gì họ thỏa thuận với Giêsu chỉ là có được với nhau một chia sẻ sống, một trải nghiệm thân mật và một tiếp xúc cá nhân. Thế thì ta phải gọi điều này là gì đây, vì hạn từ ‘môn đệ’ hay ‘đồ đệ’ (discipulus) không đủ để diễn tả nội dung này. Sau này Đức Giêsu sẽ còn triển khải rộng hơn khái niệm này bằng nhiều kiểu nói rất khác thường như: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em… Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta…” (Ga 15: 4-9; 17:21). Đối với Gioan, giờ phút trở thành môn đệ không phải là lúc được nghe thầy Giêsu gọi “Các anh hãy theo tôi…” (Mc 1:17), mà chính là lúc đi vào trải nghiệm sống động này; ‘Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười’, ông ghi nhớ rất rõ!
Đối với chúng ta cũng phải như vậy thôi! Nếu chưa có, nếu không đi được vào trải nghiệm cá nhân ‘ở lại trong tình thương’, ta chưa thể coi mình là một Kitô hữu thực thụ, chứ đừng nói tới một linh mục hay tu sĩ. Và nếu giây phút cử hành Thánh Lễ và Rước Lễ chính là lúc trải nghiệm này được sống cách sinh động và thâm sâu nhất, thời hơn bất cứ lúc nào khác, đó cũng phải là phút giây ta được trở nên ‘người môn đệ’ đúng nghĩa nhất!
Nếu càng là một linh mục có kiến thức sâu rộng, tôi càng phải thấy những cảm nghiệm này là cần thiết, nhất là vì cử hành Thánh Lễ là công việc mà tôi được chu toàn hàng ngày.
Lạy Thiên Chúa Cứu Độ, lẽ ra con phải sẵn sàng đánh đổi mọi hiểu biết tri thức con có về Chúa để có lấy một chút trải nghiệm kết hiệp, nhưng con vẫn chưa dám làm như thế. Lý do thâm sâu là tại con vẫn chưa hề dám trả lời cách trung thực và khiêm tốn câu Chúa đã hỏi: ‘các anh tìm gì thế?’ Xin cho con tới với Chúa trong ý thức ngày càng sâu hơn về thân phận yếu hèn cần tới ơn cứu độ, để chính con ‘đến và nghiệm thấy’ Chúa mới thật là thầy thuốc đầy từ tâm và nhân ái, là mục tử ra đi tìm con chiên lạc, để sẵn sàng tha thứ và xót thương. Phải chăng đó chính là điều mà con đang rất cần trong lúc này. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Truyền Giáo Trong Thế Giới Ảo
Ngày nay không ai phủ nhận sự tích cực của công nghệ thông tin. Con người ngày nay đang tận dụng rất nhiều về công nghệ để giải quyết công việc hằng ngày. Với thời đại hôm nay chỉ cần ngồi một chỗ là có thể làm được mọi thứ từ làm việc đến mua sắm, học tập, giải trí… Đặc biệt là công nghệ đã giúp con người giải quyết tốt các vấn đề việc làm nhờ sự phát triển đa phương tiện.
Tuy nhiên mặt tiêu cực của công nghệ thông tin cũng đưa con người vào một lối sống mới mà người ta gọi là “sống ảo”. Sống ảo là sống không thực với hiện tại, luôn có những suy nghĩ, ý tưởng dựa vào những gì xa vời mà internet mang lại. Với thế giới ảo này người ta cũng dễ phạm tội từ việc bêu xấu, đả kích nhau, lừa tiền, lừa tình . . . dẫn đến phạm pháp giết người cướp của tràn lan.
Theo số lượng thống kê mới đây nhất của Facebook thì Việt Nam có khoảng 30 triệu người dùng thường xuyên trên Facebook, và con số này còn tăng trưởng mỗi ngày. Như vậy với dân số hơn 90 triệu dân thì 1/3 dân số Việt Nam biết đến mạng xã hội Facebook.
Dù facebook có mặt tốt mặt xấu nhưng thực tế trong thế giới ảo đó hiện đang có số lượng người tham gia rất nhiều. Là người Kitô hữu chúng ta có bao giờ nghĩ mình phải là gạch nối cho những con người trong thế giới đó biết Thiên Chúa, hiểu Thiên Chúa và sống gắn bó với Thiên Chúa hay không?
Thiết nghĩ đây là cánh đồng truyền mà Chúa đang nhắc nhở chúng ta nếu không nhanh tay gặt hái thì chim trời sẽ tha đi hết. Nếu người Kitô hữu chúng ta không tận dụng những công nghệ hiện đại để tiếp cận với cánh đồng truyền giáo mênh mông này thì ma qủy sẽ cướp đi biết bao linh hồn. Ngày xưa các nhà truyền giáo phải lặn lội cả hàng tháng trời để tới những vùng sâu vùng xa mong tiếp cận với những người chưa biết Chúa để nói về Chúa cho họ. Ngày nay chúng ta chỉ cần một nút nhấn có thể gởi một thông điệp về Chúa cho hàng ngàn con người trong một giây. Tại sao chúng ta không tận dụng cơ hội giới thiệu Chúa cho anh em đang khi chúng ta có khả năng để giới thiệu Chúa?
Thánh Gioan Tẩy Giả đã luôn tận dùng mọi thời cơ để giới thiệu Đấng Cứu Thế đến cho mọi người. Gioan đã giới thiệu Chúa cho hàng ngàn người đang đứng bên ông nơi hoang địa hay nơi sông Giordan. Ông tận dụng thời cơ để nói về Chúa cho các môn đệ của mình, cho bà con láng giềng của mình, và cho cả dân tộc của ông.
Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể tự tỏ mình ra cho nhân loại. Ngài không cần sự trợ giúp của con người. Thế nhưng, Ngài đã không tự biểu dương mình. Ngài cần người giới thiệu. Ngài muốn con người là nhịp cầu cho Ngài đến với nhân loại. Nếu con người cảm nghiệm tình yêu ngọt ngào từ Ngài thì hãy giới thiệu tình yêu ấy cho nhiều người khác. Nếu con người cảm thấy tình yêu quan phòng kỳ diệu của Ngài thì hãy tuyên xưng Ngài cho thế trần. Đây là bổn phận của lòng biết ơn. Đây là cách chúng ta tỏ bày lòng biết ơn của mình với Đấng tạo thành khi đã nhận ơn của Ngài.
Ước gì chúng ta biết noi gương bắt chước thánh Gioan luôn nói về Chúa trong mọi hoàn cảnh. Trong hoang địa hay đường phố. Nơi người thân hay người xa lạ. Hãy tận dụng mọi hoàn cảnh Chúa ban để làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa. Nhất là trong thời đại công nghệ thông tin khi mà một lượng người rất lớn đang sống ảo thì một sứ điệp về Chúa rất cần được chúng ta loan tải trên trang cá nhân của chúng ta. Một hành vi tưởng chừng như nhỏ nhoi nhưng chúng ta tin rằng Chúa sẽ làm điều kỳ diệu qua những nỗ lực của chúng ta. Một hành vi tưởng như dã tràng xe cát biển đông nhưng với quyền năng Chúa sẽ cứu rỗi được nhiều linh hồn. Điều quan yếu là ta đã biết tận dụng phương tiện truyền thông hiện đại để nói về Chúa cho con người hôm nay. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Ba Bước Tiếp Cận Chúa Giêsu
Nhiều người thiện chí đã được trở thành môn đệ Chúa Giêsu nhờ trải qua ba giai đoạn sau đây:
Gặp gỡ Chúa Giêsu- Chiêm ngắm Chúa Giêsu- Ở lại với Chúa Giêsu.
Giai đoạn thứ nhất: Gặp gỡ Chúa Giê-su
Khi “Ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo để gặp gỡ Đức Giêsu (Ga 1, 37). Gặp gỡ Chúa Giêsu, là bước đầu cần thiết để trở thành môn đệ.
Giai đoạn hai: chiêm ngắm Chúa Giêsu
Bấy giờ Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế? ” Họ đáp: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu? “Ngài bảo họ: “Đến mà xem” (Ga 1, 39). Trăm lần nghe không bằng một lần thấy. Có nhìn thấy, có chiêm ngắm Chúa Giêsu thì mới có thể hiểu biết Ngài sâu xa hơn.
Giai đoạn ba: Ở lại với Chúa Giêsu
Thánh sử Gioan thuật tiếp: “Họ đã đến xem chỗ Ngài ở, và ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1, 39).
Ở lại với Chúa Giêsu là điều kiện thiết yếu để hiểu biết, yêu mến và trở nên môn đệ Ngài, thế nên, theo Tin mừng Marcô, lúc khởi đầu sứ vụ, “Chúa Giêsu lên núi và gọi đến với Ngài những kẻ Ngài muốn. Và các ông đến với Ngài. Ngài lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Ngài và để Ngài sai các ông đi rao giảng” (Mc 3, 13-14).
Theo Đạo Công giáo không phải là đi theo một tổ chức, là gia nhập một hiệp hội, một đảng phái, cũng không phải là theo một chủ nghĩa hay một học thuyết… nhưng chủ yếu là đi theo một nhân vật độc đáo là Chúa Giêsu và qua Ngài đến với Thiên Chúa Cha.
Qua tông huấn Lời Chúa, Đức Thánh Cha Bênêđíctô nhắc nhở chúng ta: “Đời sống Kitô hữu có đặc tính chủ yếu là gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng hằng kêu gọi ta bước theo Ngài” (Tông Huấn Verbum Domini, số 72)
Vậy thì điều quan trọng hàng đầu để trở thành môn đệ Chúa là thực hiện ba bước tiếp cận với Chúa Giêsu trên đây, đó là gặp gỡ Chúa Giêsu, chiêm ngắm Chúa Giêsu và ở lại với Chúa Giêsu.
Tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa đều đã kinh qua ba giai đoạn tiếp cận này nên đã trở thành những môn đệ thực thụ, những tông đồ nhiệt huyết của Chúa Giêsu.
Và ba bước tiếp cận “gặp gỡ – chiêm ngắm – ở lại” cũng là đường lối Chúa Giêsu sử dụng để đào tạo bao người trở thành những môn đệ thân tín, những tông đồ nhiệt huyết của Ngài.
Vậy thì hôm nay, nếu chúng ta muốn thực sự trở nên môn đệ Chúa, thì không còn chọn lựa nào khác ngoài ba bước tiếp cận nói trên.
Nói cách cụ thể:
– “Gặp gỡ – chiêm ngắm – ở lại” với Chúa Giêsu là đến gặp Ngài trong Kinh thánh, đặc biệt là trong Tân Ước, là chuyên chăm học hỏi Kinh thánh, vì như thánh Giêrônimô dạy: “Không biết Kinh thánh là không biết Chúa Giêsu.”
– “Gặp gỡ – chiêm ngắm – ở lại” với Chúa Giêsu là đến gặp Ngài trong các cử hành Phụng vụ, vì như lời Giáo Hội dạy: “Chính Chúa Giêsu hiện diện trong Lời của Ngài vì chính Ngài nói khi người ta đọc Kinh thánh trong Giáo hội” (Tông huấn Lời Chúa số 52).
“Gặp gỡ – chiêm ngắm – ở lại” với Chúa Giêsu là siêng năng tham dự Thánh lễ và đón rước Mình Máu thánh Ngài để được trở nên đồng huyết nhục với Chúa Giêsu và được thông phần vào sự sống của Ngài.
– Ngoài ra, chúng ta cần phải thường xuyên “gặp gỡ – chiêm ngắm – ở lại” với Chúa Giêsu ngay trong tâm hồn mình, bằng cách tạo ra những khoảnh khắc vắng lặng nội tâm, để gặp Chúa và kết hợp với Chúa ngay trong tâm hồn, ngay trong cuộc sống của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con sẵn sàng dành nhiều thời giờ để lo cho những nhu cầu vật chất và đáp ứng những đòi hỏi của đam mê thế tục nhưng rất tiếc nuối khi phải dành ra mươi phút mỗi ngày để gặp gỡ và suy niệm Lời Chúa.
Chúng con sẵn sàng hao tốn nhiều công sức để gặp gỡ và trở nên người thân tín của các đại gia và những người quyền quý để mưu tìm lợi ích vật chất cho mình mà không muốn dành ra mươi phút mỗi ngày để tiếp cận với Chúa hầu trở nên môn đệ thân tín của Ngài.
Xin cho chúng con hiểu rằng dành thời giờ để gặp gỡ – chiêm ngắm và ở lại với Chúa mỗi ngày là phương thế tốt nhất mang lại cho chúng con hạnh phúc đời này và sự sống vĩnh cửu mai sau.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Tiếng Gọi
CN II TN.B – (Ga 1, 35 – 42)
Tiếng AI vang vọng xoáy lòng con
Tiếp bước lên đường dạ sắt son
Đáp trả an lòng dù xuống biển
Vâng lời vững bước dẫu lên non
Yêu thương lan tỏa trong gia thất
Ánh sáng chan hòa, giữa xóm thôn
Giới thiệu Tình Cha nguồn sự sống
Tình Yêu viên mãn mãi vuông tròn.
Hạt Nắng
Tiếng Gọi
CN II TN.B – (Ga 1, 35 – 42)
Bước lang thang nắng chiều vương đổ,
tiếng Tình Yêu òa vỡ không gian.
Tiếng AI vang vọng bên đàng,
gọi con gieo hạt nắng vàng vào tim.
Hồn khắc khoải kiếm tìm chân lý,
giữa cuộc đời mộng mị vần xoay.
Tìm đâu nẻo chính, đường ngay,
giữa bao nghịch cảnh tháng ngày gian truân.
Tiếng Chúa gọi đường trần rực sáng,
tỉnh cơn say năm tháng u mê.
Dìu con từng bước đi về,
tắm nguồn suối thánh tràn trề ơn thiêng.
Hồn trong sáng tình duyên kết nối,
tình trao ban biến đổi đời con.
Nên một cùng Chúa sắt son,
kết giao tri kỷ tâm hồn chứng nhân.
Bước cùng Chúa, dấn thân loan báo,
TRÁI TIM CHA rạo rực lửa hồng.
Đêm ngày khắc khoải ngóng trông,
TÌNH YÊU CHA tặng nhưng không cho đời.
Cha ơi! Con nguyện đáp lời …
Bâng Khuâng Chiều Tím
Tiếng Gọi
CN II TN.B – (Ga 1, 35 – 42)
Lang thang phố vắng,
như hoa úa tàn, nào biết xuân sang, Chúa ơi!
Tâm tư sầu héo, xác hoa lìa cành,
lạnh lùng nhìn lá vàng rơi.
Bâng khuâng nỗi nhớ,
tiếng AI gọi mời, réo rắt mưa rơi, Chúa ơi!
Cây lau dập nát, Chúa thương chữa lành
gọi mời con vươn lên.
Ngài đã gọi con,
khi đời con ngập chìm giông tố.
Ngài đã gọi con,
khi hồn con, đắng cay, lạc loài.
Nhịp bước khoan thai, dịu dàng nhân ái,
Ngài gọi con, đến mà xem,
trái tim Ngài, mở rộng chờ con.
*
Đến mà xem, người ơi, hãy đến mà xem,
đây Chiên Thiên Chúa, gánh tội trần gian.
Vị Vua cao quang, không nơi gối đầu,
chỉ có trái tim thổn thức,
đang réo gọi tình yêu.
Hân hoan theo Chúa,
dấn thân vào đời, gieo rắc tin yêu, Chúa ơi!
Ca vang tình Chúa, đến trong gian trần,
cứu chuộc cho muôn dân.
M. Madalena Hoa Ngâu
Vui Bước Đăng Trình
CN II TN.B – (Ga 1, 35 – 42)
Ngài gọi con trong tiếng mưa rơi,
trong cơn gió chiều, hạt nắng buông lơi.
Ngài gọi con, bên vệ đường, bụi mờ giăng lối,
ánh mắt yêu thương, xao xuyến tơ vương,
nhẹ nhàng bước tới.
Ngài gọi con trong tiếng chim ca,
con tim hiền hòa, rộng mở thứ tha.
Ngài gọi con, dâng trọn tình, giã từ quá khứ,
bước tới tương lai, dầu lắm chông gai,
thắm thiết tình Ngài.
Vui bước đăng trình, Ngài gọi con,
thánh ân tuôn tràn, Ngài mời con tiếp bước.
Đem nắng hồng vào thế giới u mê,
đem niềm vui đến với người sầu khổ,
đem tin yêu đến với ai thất vọng,
đem tình yêu Chúa đến cho muôn người.
Ngài gọi con đến với nhân sinh,
trung trinh men nồng, hạt muối hy sinh.
Ngài gọi con, đi vào đời, nên nguồn ánh sáng,
thế giới nhận ra, Thiên Chúa là Cha,
hạnh phúc chan hòa.
Nắng Sài Gòn
Chúa Đợi Con
CN II TN.B – (Ga 1, 35 – 42)
Cứu trần gian máu đào Chúa đổ,
như chiên con gánh khổ tội tình.
Hiến mình làm lễ hy sinh,
trần gian xóa tội nối tình Cha – Con.
Chiên Thiên Chúa mỏi mòn lê bước,
tuyển môn sinh giao ước nhiệm mầu.
Theo Ngài chấp nhận bể dâu,
nghèo hèn chỗ ngủ gối đầu cũng không.
Chúa gọi con giữa lòng trần thế,
sống dấn thân triệt để theo Ngài.
Lên đường nhịp bước sánh vai,
chia vui sẻ ngọt với Ngài tình thân.
Được thân mật thông phần sự sống,
tham dự vào hoạt động thần linh.
Khiêm nhường phục vụ nhân sinh,
giúp người đói khổ, chân tình đỡ nâng.
Đời nhân chứng, hồng ân tỏa chiếu,
gieo Tin Mừng giới thiệu tình yêu.
Ngợi ca Tình Chúa huyền siêu,
Trái Tim rộng mở sớm chiều đợi con.
AP. Mặc Trầm Cung