22/12/19 CHÚA NHậT TUầN 4 MV – A
Mt 1,18-24
TRUNG THÀNH VỚI LỜI CAM KẾT
Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần dạy và đón vợ về nhà. (Mt 1,24)
Suy niệm: Con người vĩ đại không bởi thề hứa nhiều, nhưng ở việc trung thành thực hiện lời đã hứa. Thánh Giu-se là vị thánh vĩ đại, thánh “cả,” vì ngài trung thành với lời hứa với vị hôn thê của mình là Đức Ma-ri-a, và sâu xa hơn, vì đã trung tín với lời cam kết kéo dài suốt cả cuộc đời để “làm như lời sứ thần dạy”. Quả thật, đứng trước thử thách to lớn là sự kiện Đức Ma-ri-a thụ thai – mà thánh Giu-se không hay biết là bởi phép Chúa Thánh Thần, thay vì làm ầm ĩ như bao người, thánh nhân đã hành xử như một người công chính, khi “định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo”. Sự “lìa bỏ” không phải là trốn chạy mà là tôn trọng và tin tưởng sự công chính của người bạn đời cũng tôn trọng và nhẫn nại chờ đợi thánh ý Chúa tỏ hiện. Đón Đức Ma-ri-a về nhà là trung thành với lời cam kết, là vui lòng làm theo thánh ý Chúa, là lãnh nhận, nuôi dưỡng và bảo vệ Chúa Giê-su. Việc đó đòi hỏi thánh Giu-se triệt tiêu những sở thích cá nhân để chỉ tùng phục ý Thiên Chúa. Sự trung thành đó là điều làm cho thánh cả Giu-se thực sự là cao cả. Vì thế, Ngài trở nên gương mẫu cho mọi tín hữu.
Mời Bạn noi gương thánh cả Giu-se “lìa bỏ” Đức Ma-ri-a để trung thành với lời cam kết của một con người; “lìa bỏ” ý riêng của mình để trung thành với cam kết với chính Thiên Chúa.
Chia sẻ: Những dịp kỷ niệm (hôn phối hay chịu chức, khấn dòng…) là những dịp để quyết tâm mạnh mẽ hơn sống lời mình đã cam kết. Bạn có cảm nghiệm gì về điều này? Mời bạn chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Nhớ lại lời cam kết và có một quyết tâm theo thánh ý Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con trung thành sống lời con đã cam kết.
23/12/19 THỨ HAI TUẦN 4 MV
Th. Gio-an Kê-ty, linh mục
Lc 1,57-66
NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG
Bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai… Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. (Lc 1,57.66)
Suy niệm: Những người đương thời chỉ suy nghĩ và tự hỏi chứ không thể biết “đứa trẻ này sẽ ra thế nào.” Còn chúng ta thì biết rõ: Con trẻ này là Gio-an Tẩy giả, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước, được tuyển chọn để dọn đường cho con người đón nhận Đấng Cứu Độ. Gio-an là người dọn đường khiêm cung: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi… Đấng quyền thế hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” (Ga. 1,15.27). Là người loan báo cách thế mà con người phải sống để đón nhận Đấng Cứu Thế: “Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối… Ai có hai áo thì chia cho người không có… chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta…” (Lc. 3,8-14) Gio-an Tẩy giả đã trở nên còn hơn điều người ta kỳ vọng nơi ông. Ông đã hoàn thành sứ mạng người dọn đường đúng như ý định của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Mỗi người sẽ trở nên thế nào, điều đó đã có trong chương trình của Thiên Chúa. Bạn có muốn nhận và thực thi sứ mạng Ngài trao cho bạn không?
Chia sẻ: Còn một ngày nữa là mừng lễ Chúa Giáng sinh, bạn đã chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng đón Chúa chưa?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy giúp một người nào đó bạn biết lâu ngày không xưng tội rước lễ đến với bí tích Hòa Giải và Thánh Thể dịp Giáng Sinh này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ mong con chẳng còn gì, để Chúa là tất cả của con… Chỉ mong mọi ràng buộc trong con chẳng còn gì, nhờ đó con gắn bó với ý muốn của Ngài và thực hiện ý Ngài suốt đời con. (theo ý R. Tagore)
24/12/19 THỨ BA TUẦN 4 MV
Lc 1,67-79
GIỮ TRỌN LỜI THỀ
“Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù.” (Lc 1,73)
Suy niệm: Giữ trọn lời thề là một thách đố lớn trong cuộc sống. Có những cô gái cắt mái tóc thề đẹp đẽ của mình để thề nguyền chung thuỷ với người yêu, nhưng lại sang ngang với người khác quên mất lời thề. Có những chàng thanh niên xăm trên ngực lời khẳng định “thà chết không bỏ đạo”, nhưng họ chẳng dám sống đạo hằng ngày. Con người ta đưa tay thề thì dễ, nhưng giữ lời thề thì khó, bởi tính tình thì hay thay đổi và xác thịt thì quá nặng nề. Về phần Thiên Chúa, Ngài không bao giờ thất hứa với con người. Lời hứa ban Đấng Cứu Độ để giải thoát nhân loại khỏi quyền lực sự chết được thực hiện qua việc Ngài ban Con Một của Ngài, Đức Giê-su Ki-tô cho chúng ta. Những nhân vật lớn trong Kinh Thánh luôn nhận ra lòng tín trung của Thiên Chúa, vì thế, họ vững niềm tin vào Thiên Chúa và nỗ lực sống trung kiên với Ngài hằng ngày. Việc nhận ra lòng trung tín của Thiên Chúa giúp họ dám sống dấn thân.
Mời Bạn: Từ đầu Mùa Vọng bạn đã hứa thực hành một số việc như là quà tặng dâng cho Thiên Chúa trong đêm Giáng Sinh, nay bạn đã thực hiện chưa? Bao nhiêu phần trăm? Hay bạn đã thất hứa rồi?
Chia sẻ: Việc giữ lời hứa với người khác trong các mối quan hệ giúp gì cho bạn trong việc thực hiện điều đã hứa với Thiên Chúa?
Sống Lời Chúa: Đến bên Chúa Hài Đồng, kiểm điểm lại bản thân, nhớ lại lời đã hứa và quyết tâm thực hiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Đấng tín trung, không bao giờ thất hứa hay trễ hẹn với con. Xin giúp con đáp lại bằng sự trung thành phụng sự Chúa.
25/12/19 THỨ TƯ, NGÀY I TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH
Lc 2,15-20
HÃY ĐẾN MÀ XEM!
Những người chăn chiên bảo nhau: “Nào ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.” Họ liền hối hả ra đi và gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (Lc 2,15-16)
Suy niệm: Sau khi đến hang đá Bê-lem, gặp được Hài Nhi Giê-su cùng với bà Ma-ri-a và ông Giu-se, những người chăn chiên ra về; Kinh Thánh cho biết: “Họ vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa” (Lc 2,20). Quả thật, những người chăn chiên đang rộn rã một niềm vui tràn trề; nhưng thử hỏi, cái gì khiến họ vui sau khi gặp Hài Nhi? Với con mắt tự nhiên điều họ chứng kiến chỉ là một “trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” xem ra đáng thương hơn là đáng vui mừng. Nhưng họ vui mừng vì những dấu chỉ đó trùng khớp với lời báo tin của các thiên thần, và họ đã nhận ra Trẻ Thơ đó chính là “Đấng Ki-tô, Đức Chúa.”
Mời Bạn: Để giới thiệu Đức Giê-su cho Na-tha-na-en, Phi-lip-phê đã mời gọi ông: “Cứ đến mà xem!” Na-tha-na-en đã xoá bỏ thành kiến về xuất thân của Ngài từ Na-da-rét; ông đã đến và đã nhận ra Ngài quả thật là Đấng Mê-si-a mà các tiên tri loan báo (x. Ga 1,45-51). Không riêng gì những người chăn chiên hay ông Na-tha-na-en, chỉ khi chúng ta cởi bỏ định kiến, đón nhận lời loan báo và dám dấn thân lên đường để gặp gỡ trực tiếp với Chúa Giêsu, chúng ta mới được Ngài biến đổi để nhận ra Ngài đích thực là Đấng Cứu Chuộc nhân loại.
Sống Lời Chúa: Hãy viếng Hang đá và đừng nói gì, chỉ nhìn ngắm Chúa Hài Nhi và mở lòng để cảm nhận, rồi bạn sẽ hiểu ‘điều gì’ khiến những người chăn chiên vui khi đến với Hài Nhi được đặt nằm trong máng cỏ.
Cầu nguyện: Hát: Gặp gỡ Đức Ki-tô, biến đổi cuộc đời mình…
26/12/19
THỨ NĂM – NGÀY II TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Tê-pha-nô, tử đạo tiên khởi
Cv 7,59-60
TÁI HIỆN SỰ THA THỨ
Họ ném đá Tê-pha-nô đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ xuống kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ. (Cv 7,59-60)
Suy niệm: Thánh Tê-pha-nô là một thầy phó tế và là vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Ngài là người làm tái hiện sự tha thứ mà Chúa Giê-su đã thực hiện trên thánh giá. “Lấy ân trả oán” là phương châm hành động của thánh Tê-pha-nô. Không có cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Lấy bạo động để tiêu diệt bạo động, con người chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa hận thù và kích thích thêm bạo động mà thôi. Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù. Tê-pha-nô đã làm như Chúa Giê-su đã làm: “Trên thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).
Mời Bạn: Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng bằng yêu thương và tha thứ mà Chúa Giê-su đã đề ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương ấy mới có thể tiêu diệt được hận thù. Đó là cuộc cách mạng mà người Ki-tô chúng ta cần phải đeo đuổi mỗi ngày. Thay vì tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính sự thù hận trong tâm hồn chúng ta.
Chia sẻ: Điều gì khiến bạn không thể tha thứ được?
Sống Lời Chúa: Hãy nói: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” mỗi khi bạn bị ném những viên đá vu vạ hay thêu dệt bịa đặt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban ơn sức mạnh để con biết tha thứ cho người xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của con. Xin cho con biết nói lời tha thứ như thánh Tê-pha-nô mỗi khi con không muốn thứ tha. Amen.
27/12/19
THỨ SÁU, NGÀY III TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Gio-an, tông đồ
Ga 20,2-8
ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN
“Kẻ đã tới mộ trước cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.” (Ga 20,8)
Suy niệm: Bằng một câu vắn gọn: “Ông đã thấy và đã tin,” thánh Gio-an tông đồ cho biết cảm tưởng và thái độ của mình khi đứng trước ngôi mộ, nơi đã an táng Đức Giê-su sau khi Ngài chịu khổ nạn. Điều ông “thấy” là tấm khăn liệm với những băng vải được xếp gọn gàng là cơ sở để ông xác quyết niềm tin vào điều ông “không thấy”, đó là Thầy Giê-su, “Người không có ở đây nữa” vì “Người đã trỗi dậy từ cõi chết.” Bí quyết nào, dấu hiệu nào khiến ông mau chóng tin nhận Đức Ki-tô đã phục sinh, một sự thật mà trải qua bao đời vẫn gây ra nhiều tranh cãi, hao tốn nhiều bút mực? Gio-an đón nhận tin mừng Chúa phục sinh không vì lý do cảm tính: không vì ông yêu Chúa nhiều nên cái nhìn bị thiên lệch. Nhưng chính nhờ lòng yêu mến đó, ông nhớ lại nhiều lần Chúa đã báo trước Ngài sẽ chịu chết và sau ba ngày sẽ trỗi dậy (x. Mt 12,40; 16,21; 27,63; Lc 9,22). Điều ông đã “thấy” và “không thấy” nơi ngôi mộ trống nhắc ông nhớ lại lời Thầy đã nói: “Hãy phá đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại,” và ông đã tin.
Mời Bạn: Đức tin không chỉ dựa vào những gì quan sát được bằng giác quan, mà còn nhờ sự phán đoán của lý trí và sự đón nhận của con tim. Nhưng nhất là nhờ ánh sáng lời Chúa soi dẫn và ơn trợ giúp của Ngài, chúng ta có được đức tin vững chắc và mạnh mẽ tuyên xưng niềm tin vào Ngài.
Sống Lời Chúa: Luôn dành thời gian đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày để củng cố lòng tin, gia tăng lòng mến vào Chúa trong Chúa Ki-tô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin để con thắng vượt những nghi ngại không đáng có về Chúa.
28/12/19
THỨ BẢY – NGÀY IV TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Các thánh Anh Hài, tử đạo
Mt 2,13-18
HÃY BẢO VỆ SỰ SỐNG
Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. (Mt 2,13-18)
Suy niệm: Bạo vương Hê-rô-đê “đùng đùng nổi giận” bởi vì đằng sau việc bị “quả lừa” của các đạo sĩ, ông còn tiềm ẩn một mối lo: lời tiên tri về một vị Vua cứu thế chào đời lại trùng khớp với điềm lạ ánh sao dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ từ phương xa tìm đến. Một trẻ sơ sinh tưởng chừng vô hại nay lại là mối đe doạ cho ngai vàng của ông: Sẽ không còn thâu tóm trong tay mọi quyền lực. Sẽ không còn ung dung phè phỡn hưởng thụ lạc thú. Thế là… Hê-rô-đê đã “hỏi han cặn kẽ,” đã tính toán rất kỹ: Thà giết lầm hơn bỏ sót!!! Và ông đã xuống tay thực hiện tội ác!!!
Mời Bạn: Hẳn bạn cảm thấy rùng mình ghê sợ trước sự tàn bạo của Hê-rô-đê. Thế nhưng, bạn có rùng mình khi biết rằng hiện nay trên thế giới, mỗi ngày hàng triệu thai nhi bị tàn sát bằng những kỹ thuật tân kỳ? Phải chăng sự xuất hiện của những trẻ thơ ấy sẽ làm xáo trộn cuộc sống bình yên của chúng ta? Phải chăng vì chúng ta đã chỉ muốn hưởng thụ, thậm chí hưởng thụ một cách vô độ và ích kỷ nhưng lại không dám đứng ra nhận lãnh trách nhiệm?
Chia sẻ: Dưới ánh sáng Lời Chúa, bạn cùng phân định những nguyên nhân và hệ quả của việc phá thai.
Sống Lời Chúa: Khuyên bảo và cầu nguyện cho một người muốn phá thai biết từ bỏ ý định đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ghét tội lỗi nhưng thương người có tội. Xin tha thứ và hoán cải những ai đã cướp quyền làm chủ sự sống của Chúa. Amen.
29/12/19 CHÚA NHẬT TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS – A
Lễ Thánh Gia
Mt 2,13-15.19-23
THI HÀNH THÁNH Ý CHÚA
Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se… Ông liền chỗi dậy, và đang đêm đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. (Mt 2,13-14)
Suy niệm: Lễ Thánh gia là lễ quan thầy của mọi gia đình, nhất là gia đình công giáo. Các thành viên trong gia đình Thánh gia đều là thánh. Các ngài giống như “cây trồng bên suối nước” (x. Tv 1,3) tăng trưởng tối đa trong đời sống thánh thiện. Điểm chung của các ngài là luôn lấy thánh ý Thiên Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống của mình. Đức Ma-ri-a luôn thưa ‘xin vâng’ (Lc 1.38) với thánh ý Chúa. Còn Giu-se khi thức giấc “đã làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1,24). Còn Đức Giê-su luôn luôn quả quyết: “Lương thực nuôi thầy là thi hành ý Chúa Cha” (x. Ga 4,34). Bí quyết nên thánh và xây dựng một gia đình thánh hệ tại ở điều này: biết lắng nghe và thi hành
Mời Bạn: Con đường nên thánh không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Vậy điều gì đang cản trở Bạn thi hành ý Chúa muốn? Bạn có đặt Chúa trước mặt trong mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm không? Trở ngại chính trong việc thi hành ý Chúa là không sẵn sàng đáp lại những đòi hỏi dấn thân theo Tin Mừng, nhưng sâu xa nhất là không dám từ bỏ chính ý riêng của mình.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm những việc hy sinh hãm mình cách tự nguyện để làm chủ bản thân và sẵn sàng thực thi những đòi hỏi của Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con chiêm ngắm Chúa đang nằm trong máng cỏ, thật đơn sơ và dễ mến. Xin cho sự dễ mến và đơn sơ ấy thấm vào lòng chúng con, để chúng con sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa với tâm hồn trẻ thơ, luôn phó thác cuộc sống mình trong tay Chúa. Amen.
30/12/19
THỨ HAI – NGÀY VI TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Lc 2,36-40
NỮ NGÔN SỨ AN-NA
Nữ ngôn sứ tên là An-na… Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. (Lc 2,36-40)
Suy niệm: Chúng ta không biết gì về người nữ ngôn sứ này ngoại trừ những nét phác hoạ ít oi nhưng thật tài tình của thánh Lu-ca khi tường thuật việc dâng Chúa vào đền thánh. Và chỉ bấy nhiêu cũng đủ cho chúng ta thấy chứng tá sống động của bà An-na:
– một goá phụ, cuộc sống buồn nhiều hơn vui; nhưng cuộc sống nhiều khổ đau và gánh nặng tuổi già không làm mòn mỏi đi lòng trung tín với Thiên Chúa và niềm mong đợi ơn cứu chuộc của Ít-ra-en.
– lòng trung tín và trông cậy của bà được thể hiện qua một cuộc sống thật mẫu mực: vừa trung thành phục vụ tại đền thờ, vừa biết chìm sâu trong đời sống cầu nguyện kết hiệp với Thiên Chúa.
– bà thi hành sứ mạng tông đồ bằng cách “loan báo về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem”.
Mời Bạn: Bà An-na không ngừng cầu nguyện và phục vụ tại đền thờ suốt cả tuổi thanh xuân để chỉ làm ngôn sứ khi đã tám mươi tư tuổi. Mời bạn tiếp tục suy gẫm về lời chứng của bà An-na để học tập theo bà.
Chia sẻ: Cuộc sống của người ngôn sứ bao gồm trong hai nét chính: – kết hiệp mật thiết với Đức Ki-tô; – thực thi sứ mạng tông đồ Người giao phó. Bạn thể hiện hai nét đó trong cộng đoàn bạn đang sống thế nào?
Sống Lời Chúa: Viếng hang đá tại nhà thờ giáo xứ và cầu nguyện cho việc rao giảng Tin Mừng.
Cầu nguyện: Dâng một lời cầu nguyện tự phát lên Chúa Hài Nhi.
31/12/19
THỨ BA – NGÀY VII TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Ga 1,1-18
QUYỀN LÀM CON
“Còn những ai đón nhận thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Ga 1,1-18)
Suy niệm: Một người con chào đời không chỉ là tăng thêm một nhân khẩu vào nhân số thế giới, mà – quan trọng hơn – còn hình thành một cộng đoàn mới, với những mối tương quan mới. Một người chỉ là cha khi sinh ra một người con. Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm của tương quan Cha-Con, nói rõ hơn, đem tương quan Cha-Con của Thiên Chúa vào tương quan Cha-Con giữa con người. Con Thiên Chúa trở thành con của loài người, để nhờ đó con người được đưa vào một mối quan hệ mới, được “quyền” làm con Thiên Chúa, “quyền” gọi Thiên Chúa là Cha: “Những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền trở nên Con Thiên Chúa”. Từ một “ơn” ban vô điều kiện, tuỳ thuộc thiện ý của người cho, nay trở thành một “quyền”, điều mà người nhận có thể đòi hỏi, thậm chí có thể khiếu kiện nếu không được đáp ứng đúng mức. Quả thật, mầu nhiệm nhập thể còn lớn lao hơn ta tưởng, bởi vì nhờ đó chúng ta có quyền: quyền làm con, quyền được thừa kế “gia nghiệp thiên quốc mà Người sắp sẵn cho chúng ta từ trước khi tạo thành vũ trụ” (x. Ep 1,4tt).
Mời Bạn tiếp tục tìm hiểu và suy nghĩ để hiểu thêm: với “quyền làm con”, chúng ta có những quyền gì, đặc ân nào, khả năng nào (x. Rm 8,15-17). Mời bạn tự hỏi mình đã làm gì để sử dụng cách tốt nhất “quyền làm con” đó.
Sống Lời Chúa: Quỳ trước hang đá (tại nhà thờ hay tại nhà bạn) chiêm ngắm Chúa Hài Nhi trở nên nghèo khó để chúng ta trở nên giàu có, nhờ quyền làm con này.
Cầu nguyện: Dâng lên Chúa lời nguyện tạ ơn của chính bạn.