(24.7.2022 – Chúa Nhật 17 Thường Niên, Năm C) Abba ! Cha ơi !

Lời Chúa: Lc 11, 1-13

Một hôm, Ðức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Ðại Cha mau đến; xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’; mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được’. Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh cần, vì thể diện. Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người.”

Suy niệm:

Trong Tin Mừng Luca, khi bắt đầu cầu nguyện
Đức Giêsu thường gọi Thiên Chúa là Cha.
“Lạy Cha là Chúa trời đất, con ngợi khen Cha” (10,21).
Trong Vườn Dầu, giữa lúc phải chiến đấu ác liệt,
Ngài kêu xin: “Lạy Cha, nếu Cha muốn…” (22,42).
Và ngay khi bị đóng đinh trên thập giá,
Ngài vẫn gọi Cha và cầu cho những kẻ giết mình (23,34):
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài lớn tiếng gọi Cha:
“Lạy Cha, con phó hồn con trong tay Cha” (23,46).

Từ năm mười hai tuổi, tại Đền thờ,
Cậu bé Giêsu đã nhận biết Thiên Chúa là Cha của mình:
“Cha mẹ không biết Con phải ở nhà của Cha Con sao?” (2,49).
Từ đó, tương quan Cha-Con cứ nảy nở thêm mãi.
Chúa Cha gọi Đức Giêsu là Con khi Con chịu phép rửa:
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (3,22).
Chúa Cha còn giới thiệu cho các môn đệ Đức Giêsu là Con:
“Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn” (9,35).
Tình nghĩa Cha-Con giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu
là độc nhất vô nhị.
Chẳng ai là Con Thiên Chúa như Đức Giêsu:
“Không ai biết Người Con trừ Chúa Cha,
cũng như không ai biết Chúa Cha trừ Người Con
và kẻ Người Con muốn mặc khải cho” (10,22).
Chỉ Cha và Con biết nhau trong thế giới thần linh.
Thế giới này hết sức riêng tư nhưng lại không khép kín,
vì Cha vẫn mặc khải về Con, và Con vẫn mặc khải về Cha.

Khi một môn đệ xin Đức Giêsu dạy cầu nguyện,
Ngài đã chẳng đưa ra một phương pháp nào,
nhưng Ngài dạy cho anh ấy một lời kinh.
Lời kinh ấy bắt đầu bằng lời xưng hô quen thuộc của Ngài,
“Lạy Cha!”
Như thế Đức Giêsu đã muốn chia sẻ cho các môn đệ
tương quan thân thiết của mình với Thiên Chúa,
muốn đưa họ đi vào tương quan thân thiết ấy,
và muốn cho họ cũng sống như các con đối với Cha.
Trong Vườn Dầu, Ngài đã gọi Thiên Chúa bằng tiếng mẹ đẻ:
“Abba ! Cha ơi !” (Mc 14,36).
“Abba” là tiếng gọi thân thiết, âu yếm, của đứa con với cha.
Chắc Đức Giêsu đã nhiều lần gọi Thiên Chúa là “Abba”.
Và rất có thể khi dạy môn đệ cầu nguyện,
Ngài cũng dạy họ gọi Thiên Chúa là Abba ! Cha ơi !
Đây là lối gọi đặc trưng của người môn đệ Đức Giêsu.
Sau này thánh Phaolô cũng nhắc cho tín hữu ở Rôma
hãy gọi Thiên Chúa là: Abba ! Cha ơi ! (Rm 8,15; Gl 4,6).

Khi dám gọi Thiên Chúa là Abba,
chúng ta được mời gọi cộng tác với Cha
để làm cho mọi người nhận biết Danh Cha,
và xây dựng Nước Cha trên trần gian.
Khi dám gọi Thiên Chúa là Abba,
ta thấy mình bình yên như bé thơ ngồi trong lòng mẹ,
vì biết mình sẽ được hàng ngày dùng đủ,
được tha thứ mỗi khi lỗi phạm,
và được bảo vệ khỏi cơn cám dỗ của kẻ thù (Lc 11.3-4).

Thế giới hôm nay đầy những biến động đau thương,
Người ta giết nhau bằng những vũ khí tối tân nhất.
Cả ngàn người chết vì nắng nóng do biến đổi khí hậu.
Đói kém và dịch bệnh thường xuyên đe dọa con người.
Nhưng ta đừng để mất niềm cậy trông vào tình thương Cha.
Đừng ngại làm phiền Thiên Chúa.
Đừng ngại gõ cửa Ngài lúc nửa đêm để nói nhu cầu của mình,
vì Ngài là Người Cha muốn cho con mình những của tốt.

Thế giới của chúng ta hôm nay như thế đó,
phải chăng vì chúng ta chỉ đọc Kinh Lạy Cha ngoài môi miệng?
Nếu chúng ta bằng lòng với lương thực hàng ngày (Lc 11,3),
nếu chúng ta tha mọi nợ nần, mọi lỗi lầm cho nhau (Lc 3,4),
thì thế giới này sẽ trở thành Nước Thiên Chúa.

Lời nguyện:

Lạy Cha là Chúa trời đất,
Cha là Cha toàn năng, nhưng Cha lại không phải là nhà độc tài.
Cha không quyết định một cách vô lý và độc đoán.
Cha đã cho con người cùng được chia sẻ tự do của Cha,
và Cha luôn tôn trọng tự do ấy,
dù con người vẫn lạm dụng tự do để làm điều xấu.

Lạy Cha toàn năng,
Khi trao cho loài người chúng con tự do,
Cha đã muốn tự giới hạn phần nào sự toàn năng của Cha.
Bởi đó sự dữ có sức tung hoành trong thế gian này.
Khi lòng độc ác của một số người đã treo Con Cha lên,
Cha có đủ quyền năng để đưa Ngài xuống.
Nhưng Cha đã muốn Con Cha chia sẻ cái chết bất công
của bao người thấp cổ bé miệng trên thế giới.
Cha muốn cái chết ô nhục trên thập giá của Con Cha
trở nên dấu chỉ cao nhất của tình yêu Cha cho nhân loại.

Lạy Cha toàn năng và khiêm hạ,
chúng con tin Cha vẫn đang làm việc để phục vụ chúng con.
Cha vẫn trao bánh và cá cho nhu cầu hàng ngày.
Cha vẫn mở cửa khi nghe tiếng gõ rụt rè của chúng con.
Chúng con tin vào tình yêu Cha
dành cho từng người ngay giữa sóng gió.
Và chúng con biết mình không bao giờ phải thất vọng.

Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ