Lời Chúa: Ga 20, 19-23
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
Suy niệm:
Có người bảo Chúa Thánh Thần là Ngôi Vị hay bị quên lãng.
Người ta hay cầu xin Ngài vào đầu các cuộc gặp gỡ hội họp,
nhưng sau đó chẳng ai còn nhớ đến Ngài nữa.
Thật ra Chúa Thánh Thần ở gần ta hơn ta nghĩ rất nhiều,
đến độ nếu không có Thánh Thần
thì chẳng có kitô giáo, cũng chẳng có kitô hữu.
Đời kitô hữu tràn ngập sự hiện diện của Thánh Thần,
Đấng không có khuôn mặt hữu hình như Đức Giêsu,
nhưng các hoạt động của Ngài thì có thể thấy được.
Dần dần Hội Thánh sơ khai nhận ra rằng
Thánh Thần không chỉ là một quyền năng từ trên cao,
mà còn là một Đấng, một Ngôi Vị thần linh như Cha và Con.
Ngài còn được gọi là Thần Khí, hay Đấng Bảo Trợ.
Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Thánh Thần là Chúa,
và là Đấng ban sự sống, đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con.
Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống.
Nước là nguồn mạch đem lại sự sống,
nên Đức Giêsu ví Thánh Thần với mạch nước vọt lên,
mạch nước đem lại sự sống đời đời (Ga 4,14).
Ai tin vào Ngài sẽ lãnh nhận Thần Khí
như những dòng sông đầy tràn nước hằng sống (Ga 7,38-39).
Hơi thở là dấu hiệu của sự sống.
Đức Giêsu phục sinh đã trao ban Thánh Thần cho các môn đệ
bằng cách thổi hơi thở của mình trên các ông (Ga 20,22).
Nhận hơi thở là nhận sự sống mới của Đấng phục sinh.
Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống.
Ngài hiện diện và hoạt động trong mọi Bí tích.
Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy,
ta được tái sinh trong nước và Thánh Thần (Ga 3,5),
được rửa tội nhân danh Thánh Thần để thành thụ tạo mới.
Khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức,
ta nhận được ấn tín của Chúa Thánh Thần,
và được sai đi làm chứng cho toàn thế giới (Cv 1,8).
Khi lãnh nhận Bí tích Hòa giải,
ta được tha tội nhờ quyền năng của Thánh Thần (Ga 20,22-23).
Khi linh mục cử hành Bí tích Thánh Thể,
trước khi đọc lời truyền phép trên bánh và rượu,
linh mục cầu xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến trên lễ vật
để biến đổi chúng thành Mình và Máu Chúa Giêsu.
Lời Chúa mà ta đọc và nghe trong Thánh Lễ
là Lời đã được linh hứng viết ra bởi Chúa Thánh Thần (MK 12).
Lời ấy cũng sẽ được rao giảng nhờ Thánh Thần soi sáng (MK 9).
Đức Giêsu nhận mình là Đấng ban sự sống (Ga 5,21; 17,2).
Khi về với Cha, Ngài ban cho ta Thánh Thần là Đấng ban sự sống,
Đấng sẽ ở với, ở bên và ở trong chúng ta mãi mãi (Ga 14,16-17).
Thân xác chúng ta đáng quý vì là chi thể của Đức Kitô (1 Cr 6,15),
và cũng là Đền Thờ của Thánh Thần (1 Cr 6,19).
Thánh Thần là vị Thầy giúp ta nhớ lại giáo huấn của Đức Giêsu,
và dẫn chúng ta tới sự thật toàn vẹn và trọn vẹn (Ga 14,26; 16,13).
Thánh Thần là vị Thầy dạy chúng ta cầu nguyện
và gọi Thiên Chúa là Abba, như những người con (Rm 8,15; Gl 4,4).
Thánh Thần vừa ban nhiều ơn khác nhau cho mỗi người (1 Cr 12,4-11).
vừa hiệp nhất mọi người thành một thân thể duy nhất (1 Cr 12,13).
Không thể nào hình dung một Hội Thánh mà lại không có Thánh Thần.
Thánh Thần là “linh hồn” của Hội Thánh.
Kinh Sáng Danh cổ xưa nhất là: “Sáng danh Đức Chúa Cha,
nhờ Đức Chúa Con, và trong Chúa Thánh Thần.”
Kitô hữu là người sống trong Thánh Thần của Đức Giêsu.
Dù chúng ta đã lãnh bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức,
nhưng chúng ta vẫn phải luôn cầu xin Cha trên trời
ban cho ta Thánh Thần mỗi ngày (Lc 11,13).
Càng để cho Thánh Thần tự do hoạt động trong cuộc sống,
cây đời của chúng ta càng sinh hoa trái tốt tươi (Gl 5,22-23).
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin ban cho chúng con Thánh Thần.
Vì không có Thánh Thần,
Cha sẽ là Đấng nghìn trùng xa cách,
Đức Kitô trở thành nhân vật của quá khứ,
Sách Tin Mừng là mớ chữ vô hồn,
Hội Thánh chẳng khác nào một tổ chức trần thế.
Vì không có Thánh Thần của Cha,
quyền uy trở thành sức mạnh thống trị,
truyền giáo trở thành tuyên truyền,
việc phụng tự trở thành một thứ lễ bái,
cách hành xử của kitô hữu thành thứ đạo đức của nô lệ.
Nhưng nếu có Thánh Thần,
vũ trụ này được nâng lên,
những quặn đau để sinh ra Nước Cha mang ý nghĩa,
Đức Kitô phục sinh thật sự hiện diện,
Tin Mừng thành sức sống vô bờ,
Hội Thánh có nghĩa là hiệp thông.
Nếu có Thánh Thần của Cha,
quyền uy của Hội Thánh là khí cụ phục vụ,
truyền giáo trở thành một lễ Hiện Xuống mới,
phụng vụ là một tưởng niệm và là một thực tại,
các hành động của con người mang tính thần linh.
Lạy Cha, xin ban Thánh Thần cho chúng con.
(dựa theo lời nguyện của Đức Thượng phụ Athenagoras)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.