(23.4.2021 – Thứ Sáu Tuần 3 Phục Sinh) Nhờ tôi mà được sống

Lời Chúa: Ga 6, 52-59

Khi ấy, người Do thái tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” Đó là những điều Đức Giêsu đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Caphácnaum.

Suy niệm:

Tin Mừng theo thánh Gioan không viết về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể,
nhưng lại giải thích cách sâu xa cho chúng ta về ý nghĩa của bí tích ấy
đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay.
Câu 51 là một bước chuyển quan trọng
trong bài giảng của Đức Giêsu về Bánh hằng sống ở chương 6:
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
Lần đầu tiên thịt được nhắc đến trong bài giảng này.
Thịt của Đức Giêsu chính là bánh từ trời được ban cho thế gian.
Ngôi Lời đã vào đời làm người, đã thành thịt (Ga 1, 14).
Bây giờ chính thịt ấy lại được trao ban cho con người như bánh hằng sống.
Đức Giêsu không bằng lòng với chuyện nuôi một số người bằng bánh và cá.
Điều đó chỉ làm giảm cơn đói thân xác trong một thời gian.
Ngài muốn nuôi cả thế giới bằng chính sự sống thần linh ở nơi Ngài,
nuôi bằng trọn cả con người Ngài, nuôi bằng chính thịt và máu Ngài.
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống vĩnh cửu.
Và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (c. 54).
Ăn thịt và uống máu một người là điều làm người Do thái ghê sợ.
Chúng ta chỉ hiểu được những lời trên đây trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly,
khi Đức Giêsu mời các môn đệ ăn bánh và uống rượu Ngài trao
mà Ngài lại nói: Đây là mình Thầy, đây là máu Thầy.
Đức Giêsu muốn trao cho nhân loại sự sống của Ngài
qua thức ăn, thức uống bình thường của con người là bánh và rượu.
Sự sống vĩnh cửu đã hé nở ngay từ đời này và sẽ viên mãn ở đời sau.
Hãy đến ăn và uống lương thực thần linh Ngài dọn cho ta.
Hãy đến với lòng tin và sự trân trọng trước món quà quý giá.
Nhưng dự tiệc Thánh Thể không phải chỉ là đến với thịt và máu Chúa,
mà còn là gặp gỡ tiếp xúc với một ngôi vị là chính Đức Giêsu.
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi
thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c. 56).
Một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm giữa hai ngôi vị.
“Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,
thì kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy” (c. 57).
Rốt cuộc, qua việc ăn uống mình máu Chúa,
chúng ta được tham dự vào mối tương quan thân tình giữa Cha và Con.
Chúng ta được sống bằng cùng một dòng sự sống xuất phát từ Cha.
Chúng ta được diễm phúc chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa.
Bí tích Thánh Thể không phải là một thứ bùa chú hay đũa thần.
Ai càng mở lòng mình ra để trao đi, càng thoát ra khỏi thái độ chiếm đoạt,
thì càng thấy mình được biến đổi và được giàu có muôn ơn.
Trong mỗi thánh lễ, chúng ta được mời gọi đón lấy Bánh hằng sống,
Tấm Bánh Lời Chúa và Tấm Bánh Mình Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
Chúa là thức ăn, thức uống của con.
Càng ăn, con càng đói;
càng uống, con càng khát;
càng sở hữu, con lại càng ước ao.

Chúa ngọt ngào trong cổ họng con
hơn cả tầng mật ong,
vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.

Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,
vì con không sao múc cạn được Chúa.

Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài?
Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con,
con cảm thấy cả hai.

Chúa đòi con nên một với Ngài,
đòi hỏi đó làm cho con đau đớn,
vì con không muốn từ bỏ
những thói quen của con
để ngủ yên trong tay Chúa.

Con chỉ biết tạ ơn Chúa,
ca ngợi và tôn vinh Chúa,
bởi đó là sự sống đời đời cho con.

(Ruy Broeck)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.