LỜI CHÚA: Lc 18, 9-14
Khi ấy, Ðức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con’. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
SUY NIỆM:
Khi nghĩ về người Pharisêu, ta nghĩ đến thói giả hình.
Quả thực, có một số người Pharisêu như vậy,
nhưng không phải tất cả đều thế đâu.
Thật ra, nhóm Pharisêu là nhóm rất đạo đức.
Và họ đạo đức thực lòng, chứ không giả dối.
Họ đã chuyên cần học hỏi về Luật Chúa,
và muốn giữ cẩn thận Luật ấy trong mọi hoàn cảnh.
Ông Pharisêu trong dụ ngôn sau của Đức Giêsu
không phải là người giả hình.
Ông ấy thực sự rất đạo đức,
và được mọi người ngưỡng mộ.
Khi nghe lời cầu nguyện của ông trên Đền thờ,
nhiều người Do-thái thầm mơ ước sống được như vậy.
Trước hết, ông đã tránh được những sai phạm lớn
như trộm cắp, bất chính, ngoại tình.
Ông còn ăn chay mỗi tuần vào thứ hai và thứ năm,
dù luật chỉ buộc ăn chay mỗi năm một lần (Lv 16,29-30).
Ông nộp thuế thập phân về tất cả mọi thu nhập,
dù luật chỉ buộc nộp về hoa lợi, chăn nuôi (Lv 27,30-31).
Ngược lại, khi nghe lời cầu nguyện của anh thu thuế,
ta thấy anh chỉ nhận mình là tội nhân,
cần đến tình thương xóa tội của Thiên Chúa (Lc 18,13).
Dưới mắt nhiều người, anh là kẻ thù của dân tộc,
và là kẻ có đời sống không trong sạch chút nào.
Cả hai đều gọi tên Thiên Chúa khi bắt đầu cầu nguyện.
Nhưng Thiên Chúa sẽ nhậm lời cầu nguyện của ai?
Ai là người chạm được vào trái tim của Thiên Chúa?
Những người Do-thái thời Đức Giêsu trả lời ngay:
Dĩ nhiên là ông Pharisêu đạo đức.
Nhưng câu khẳng định của Đức Giêsu để kết dụ ngôn
hẳn đã làm nhiều người chưng hửng:
Anh thu thuế tội lỗi, khi xuống núi để về nhà mình,
thì được Thiên Chúa nhìn nhận là người công chính,
anh công chính hơn cả ông Pharisêu đạo hạnh (Lc 18,14).
Đây là một sự đảo ngược lạ lùng bởi Thiên Chúa.
Thiên Chúa có lối đánh giá khác với con người.
Ngài không chỉ để ý đến cái bên ngoài,
nhưng nhìn thấu tấm lòng bên trong.
Ngài chỉ thi ân khi gặp được một tấm lòng chờ đợi.
Anh thu thuế đã mở cửa cho Chúa, và đã van xin.
Anh khiêm tốn đứng xa, không dám ngước mắt lên,
chỉ biết đấm ngực để tỏ lòng sám hối.
Ngược lại, ông Pharisêu chẳng xin gì.
Ông thấy mình chu toàn quá tốt những điều luật dạy,
bởi đó ông thấy mình chẳng cần Chúa xót thương.
Những việc hoành tráng ông làm, ông không coi là ơn.
Chúng khiến ông trở nên tự cao, tự phụ,
và coi khinh anh thu thuế đang đứng cuối Đền thờ.
Thiên Chúa dễ gặp anh thu thuế hơn, vì lòng anh mở.
Ngài khó gặp ông Pharisêu, vì cửa lòng ông khép.
Tiếc thay, công đức của ông lại thành bức tường cao
ngăn ông gặp Chúa và tha nhân.
Còn tội của anh thu thuế lại là nhịp cầu gặp gỡ Chúa.
Ở thế kỷ 21, nhiều người vẫn sống như anh thu thuế.
Họ sống trong hoàn cảnh khách quan là có tội,
vì vấp ngã, vì nghề nghiệp, vì chuyện hôn nhân…
nhưng họ không dễ thoát ra khỏi tình trạng tội lỗi đó.
Dụ ngôn trên đây của Chúa Giêsu đem lại hy vọng
cho những người đang mất hy vọng vào đời mình.
Thiên Chúa không chê bỏ việc ăn chay hay dâng cúng,
cũng không cấm chúng ta tích đức, lập công.
Nhưng Đức Giêsu nhắc chúng ta nhớ rằng
ơn cứu độ không mua được bằng nỗ lực bản thân,
nhưng là quà tặng Chúa ban mà ta đưa tay lãnh nhận.
Ai trong chúng ta cũng giống anh trộm lành
nhận được tin vui vào giây phút cuối (Lc 23,42).
LỜI NGUYỆN
Lạy Cha,
những tội chúng con phạm
vừa mang dáng dấp tội Ađam,
lại vừa mang dáng dấp tội Cain.
Tội nào cũng là khép lại trên chính mình,
khước từ Thiên Chúa và quay lưng trước anh em.
Tội nào cũng lấy mình làm trung tâm
và quy tất cả về mình.
Xin cho chúng con đừng nhìn ngắm công trạng của mình,
nhưng nhìn vào những nén bạc Cha giao
mà chúng con chưa đầu tư sinh lợi cho đủ.
Xin cho chúng con đừng tự mãn nhìn về quá khứ,
nhưng hướng đến tương lai với bao điều cần thực hiện.
Lạy Cha,
xin cho chúng con đừng lấy đức hạnh của mình
làm thước đo người khác,
đừng cứng cỏi lạnh lùng khi đánh giá anh em.
Ước gì chúng con có quả tim như Con Cha,
hiền lành và khiêm nhượng,
để chúng con có thể mở ra đến vô cùng
trước những đòi hỏi của Cha và nhu cầu của anh em. Amen.
Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ