Lời Chúa: Lc 13, 1-9
Khi ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Ðức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó có tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Rồi Ðức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cảnh báo hai lần (cc. 3, 5).
“Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”
Đức Giêsu đi từ những chuyện đau thương chết chóc
của một số người ở Galilê và Giêrusalem,
để nhắc nhở người nghe ra khỏi sự tự mãn của mình mà sám hối.
Dụ ngôn cây vả sẽ cho thấy thế nào là sám hối theo cái nhìn của Ngài.
Đơn giản sám hối là sinh trái.
Trái là điều ông chủ có ý nhắm đến khi trồng cây vả giữa vườn nho.
Ông không trồng vả để lấy củi hay bóng mát.
Cây vả có chỗ trong khu vườn và cũng có chỗ trong tâm trí ông.
Ông có một người làm vườn.
Hẳn người này đã hết sức chăm bón cho cây vả để nó sinh trái.
Ba năm trôi qua, cứ đến mùa vả, ông chủ lại đến, tìm trái và không thấy.
Những hành vi này được lặp lại như một điệp khúc mỗi năm (cc. 6-7).
Ông chủ đi từ hy vọng đến thất vọng.
Cái háo hức khi lần đầu đến cây tìm trái chẳng còn.
Ông đã kiên nhẫn, đã chờ, không phải một năm, mà ba năm.
“Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất” (c. 7).
Rõ ràng quyết định này không do sự tàn ác hay nóng nảy.
Chặt đi khi chẳng còn gì để hy vọng, khi chờ đợi đã mỏi mòn.
Cây vả đã lấy màu mỡ của đất trồng nho, mà không sinh trái.
Nó không đáp ứng ước mơ tự nhiên của ông chủ,
người đã cho nó hiện hữu ở trong khu vườn này.
“Xin cứ để cho nó lại năm nay nữa” (c. 8).
Lời xin của người làm vườn, người đã chăm sóc cây vả từ nhiều năm.
Người ấy xin cho cây vả một cơ hội,
cơ hội duy nhất và cuối cùng để tránh cái chết chắc chắn.
“Tôi sẽ vun xới, bón phân. May ra sang năm nó có trái…”
Cây vả cằn cỗi vẫn còn được hy vọng, còn được chăm sóc.
Không thấy ông chủ phản đối, chắc ông đồng ý chờ thêm một năm.
Cả ông chủ cũng nuôi lại niềm hy vọng.
Cuối cùng cây vả cằn cỗi này có ra trái không, có bị chặt không?
Dụ ngôn không cho ta câu trả lời.
Vì câu trả lời nằm ở chính tôi.
Tôi chính là cây vả ấy.
Tôi đã được trồng, được yêu, được hy vọng, được chờ, được chăm bón.
Bao điều lớn nhỏ Chúa làm cho đời tôi từ trước đến nay.
Hoa trái của cây vả đời tôi có tương xứng với những gì Chúa ban không?
Tôi suy nghĩ về sự kiên nhẫn của Chúa và cả sự thất vọng của Ngài nữa.
Chúa vẫn muốn cho tôi tiếp tục sống trên đời.
Mỗi ngày sống là quà tặng của lòng thương xót.
Còn sống là còn cơ hội để sinh trái, để bày tỏ lòng sám hối ăn năn.
Dù sao câu kết của người làm vườn tốt bụng vẫn là một đe dọa.
“Nếu không ông cứ chặt nó đi!” (c. 9).
Cầu nguyện:
Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.