Lời Chúa: Ga 14,23-29
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo : ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”
Suy niệm:
Chúng ta thường đặt câu hỏi: Thiên Chúa ngự nơi đâu?
Và thường trả lời ngay: thiên đàng.
Thiên đàng là nơi Chúa Giêsu hứa cho anh trộm lành:
“Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).
Khi nói đến thiên đàng, ai cũng ngước mắt lên (x. Ga 17,1),
vì thiên đàng ở trên trời cao thẳm.
“Vinh quang Thiên Chúa trên tầng trời cao nhất” (Lc 2,14).
Chúa Giêsu coi cái chết sắp đến là trở về nhà Cha trên trời.
Nhà này có nhiều chỗ ở cho các môn đệ (Ga 14,2, monai).
Ngài ước mong được ở đó với họ mãi mãi (Ga 12,26; 17,24).
Chúa Giêsu phục sinh cũng nói đến việc Ngài lên cùng Cha:
“Thầy lên cùng Cha của Thầy, …
lên cùng Thiên Chúa của Thầy, …” (Ga 20,17).
Quả thật, thiên đàng là đích đến của đời người tín hữu.
Trở về Nhà Cha, được vào Nước Trời, được lên thiên đàng:
đó là ước mơ của những ai đang hành trình vất vả.
Người Do-thái tin Thiên Chúa ngự trên trời,
và tin Đền Thờ dưới đất là nơi Ngài ngự.
Chúa Giêsu quý Đền Thờ và gọi đó là Nhà Cha (Ga 2,16).
Như thế có Nhà Cha ở trên trời và Nhà Cha dưới đất.
Nhưng khi đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ,
Ngài lại khẳng định một điều hết sức mới mẻ.
Đền Thờ đích thực không phải là Đền Thờ Giêrusalem,
mà là “chính thân thể của Ngài” (Ga 2,21).
Đền Thờ này sẽ bị người ta phá hủy,
nhưng “nội trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại” (Ga 2,19).
Khi Con Một Thiên Chúa, làm người có thịt xương,
chính thân thể của Ngài trở nên nên Đền Thờ,
nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa,
và là nơi con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa.
Khi Chúa Giêsu trở về Nhà Cha,
khi Ngài không hiện diện bằng thân xác thể lý nữa,
Ngài vẫn muốn ở lại với các môn đệ của Ngài.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Chúa Giêsu biết trước nỗi xao xuyến và sợ hãi của họ,
vì sự ra đi của Ngài sẽ tạo ra một khoảng trống lớn lao.
“Lòng anh em đừng xao xuyến, và đừng sợ hãi” (Ga 14,27).
Thân mình Thầy sẽ bị người ta hành hạ và giết đi,
Đền Thờ là thân mình Thầy sẽ bị sụp đổ,
nhưng muôn ơn sẽ đến qua cái chết của Thầy.
Các môn đệ mất đi sự hiện diện thể lý của Thầy,
nhưng họ lại được dư tràn bao sự hiện diện khác.
Trước hết là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
Ngôi vị thần linh này do Chúa Cha sai đến
để ở với, ở giữa và ở trong anh em (Ga 14,16-17).
Đây là Đấng Bảo trợ khác, cũng là vị Thầy khác.
Đấng ấy sẽ làm họ nhớ lại những gì Thầy Giêsu đã dạy
và đem áp dụng trong hoàn cảnh hiện tại (Ga 14,26).
Hơn nữa, Thầy Giêsu còn bất ngờ hứa cho các môn đệ
một thiên đàng rất gần, nhỏ bé, đơn sơ và thân thương.
Nó ở nơi lòng người yêu mến Thầy và giữ lời Thầy dạy:
“Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy
và sẽ làm chỗ ở của mình nơi người ấy” (Ga 14,23).
Như thế tâm hồn của người tín hữu đạo đức
trở thành chỗ ở của Thiên Chúa, thành thiên đàng.
Thân thể Chúa Giêsu phục sinh là Đền Thờ mới
được xây dựng lại sau khi bị phá hủy.
Và tâm hồn mỗi tín hữu cũng là một đền thờ,
nơi có Chúa Ba Ngôi ngự trị, thường trú.
Khi cầu nguyện với Thiên Chúa,
chúng ta vẫn ngước mắt lên trời.
Nhưng cũng có khi ta nên quay vào trong lòng mình
để ý thức về sự hiện diện và hoạt động của từng Ngôi.
Kitô hữu là người mang thiên đàng nơi mình,
và muốn chia sẻ thiên đàng đó cho người khác.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
Nếu con cứ mãi bực bội
vì một lời nói thiếu tế nhị,
nếu con cứ nuôi cơn giận
vì một hành vi khiếm nhã,
thì tim con chẳng được bình an.
Nếu con cứ dằn vặt mình
vì một điều mình va vấp,
nếu con không sao chịu nổi
những sai sót của bản thân,
thì tim con chẳng được bình an.
Nếu con ưu tư phiền muộn
vì những yếu đuối của mình,
nếu con cay đắng ghen tỵ
vì những thành công của người khác,
thì tim con mãi mãi chẳng được bình an.
Lạy Chúa,
bình an là một ơn rất lớn,
vậy mà con thường dễ dàng đánh mất
chỉ vì những chuyện không đâu.
Xin giải thoát con khỏi cái tôi nặng nề,
để lòng con nhẹ nhàng thanh thản.
Xin cho tim con vui trở lại
Và chữa con khỏi mọi tổn thương.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.