(22.06.2024 – THỨ BẢY TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN) NGƯỜI SẼ THÊM CHO

Phúc Âm: Mt 6, 24-34

“Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được. Vì thế, Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?

“Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm:

Chế độ nô lệ tưởng như đã không còn trên thế giới.
Nhưng ngày nay người ta vẫn nói đến những hình thức nô lệ mới.
Nước nghèo mất chủ quyền, chịu nô lệ cho nước giàu,
các phụ nữ trở nên nạn nhân của nô lệ tình dục,
trẻ em nô lệ cho chơi game, thanh niên nô lệ cho ma túy.
Xem ra khó tránh được chuyện bị làm nô lệ,
giữa một thế giới đề cao tự do và giải phóng.
Khi không muốn làm nô lệ cho ai,
con người lại trở nên nô lệ cho cái tôi ích kỷ.
Khi không chấp nhận lệ thuộc Đấng Tạo Hóa cao vời,
con người lại trở nên nô lệ cho các thụ tạo do mình tạo ra.

Đức Giêsu đặt chúng ta trước một chọn lựa.
“Anh em không thể đồng thời làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được.”
Nếu có hai chủ thì thế nào cũng yêu mến người này hơn người kia.
Giữa Thiên Chúa và Tiền Của, tôi sẽ gắn bó với ai hơn, tôi sẽ chọn ai?
Tôi không thể giả vờ thỏa hiệp để chọn cả hai, để được cả hai.
Thần Tài hứa hẹn cho tôi sự an toàn và hạnh phúc giả tạo,
còn Thiên Chúa hứa cho tôi hạnh phúc đích thực, vững bền.
Chỉ khi đặt Thiên Chúa lên trên mọi sự, tôi mới thật sự tự do.

Có sáu động từ lo trong bài Tin Mừng trên đây.
Đức Giêsu nhiều lần khuyên các môn đệ đừng lo (cc. 25. 31. 34).
Nhưng làm người ai lại không lo về ngày mai, trừ phi là trẻ thơ?
Trên thế giới bao người vẫn phải vật vã từng ngày với cơm ăn, nước uống?
Con người có thể sống vô tư như chim trời không
khi chim trời ngày nay cũng bị đe dọa không nơi trú ẩn?
Chúng ta cần hiểu cho đúng chữ lo của Đức Giêsu.
Ngài không dạy chúng ta sống vô trách nhiệm, phó mặc hay lười biếng.
Cái lo mà ta nên tránh là cái lo âu, lo sợ của người kém lòng tin (c. 30),
không tin rằng Thiên Chúa quý con người hơn mọi thụ tạo khác.
hơn giống chim trời, hơn hoa ngoài đồng nội.
Lo âu đó chi phối quá khiến người ta cứ loay hoay, bối rối tự hỏi:
ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây ? (c. 31).
Lo âu này khiến người ta bất an và sợ hãi, vì là lo âu một mình,
quên rằng mình có Người Cha biết rõ những nhu cầu thiết yếu (c. 32),
và sẵn sàng lo cho mình những điều cần dùng (c. 33).
Lo âu này cũng khiến người ta tìm kiếm thỏa mãn nhu cầu của mình
hơn là ưu tiên tìm kiếm xây dựng Nước Thiên Chúa (c. 33).

Kitô hữu không phải là người ngây thơ, sống không lo ngày mai.
Kitô hữu là người biết lo liệu, lo toan cho cuộc sống của họ.
Nhưng họ không căng thẳng vì phải bơ vơ lo một mình.
Họ lo như một người con trưởng thành, cùng lo với Thiên Chúa Cha.
Họ lo một cách thư thái nhẹ nhàng như loài chim buổi sớm đi tìm thức ăn.
Kitô hữu nắm được chìa khóa của hạnh phúc, của no đủ và bình an.
Đó là cứ tìm kiếm Thiên Chúa trước tiên, mọi sự khác sẽ được ban dư dật.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người – cũng như con –
đang cần một người bạn.

Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.

Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.

Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ