(16.4.2022 – Thứ Bảy Tuần Thánh, Năm C) Người đã trỗi dậy rồi

Lời Chúa: Lc 24, 1-12

Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì kìa hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Ðang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở nơi kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.”

Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Ðức Giêsu đã nói. Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Ðồ như vậy. Nhưng các ông cho là chuyện lẩn thẩn, nên chẳng tin. Dầu vậy, ông Phêrô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

Suy niệm:

Các phụ nữ là những chứng nhân đầu tiên
về biến cố Chúa phục sinh được kể trong các Phúc âm.
Đơn giản vì họ là những người đầu tiên ra thăm mộ.
Vào buổi sáng tinh mơ của ngày thứ nhất trong tuần,
các bà vội vã ra mộ, đem theo hương liệu xức xác Chúa.
Họ không biết ai sẽ giúp mình cất tảng đá che cửa mộ,
nhưng khi đến nơi họ thấy tảng đá đã lăn sang một bên.

Vào trong mộ, họ không thấy xác Thầy nằm đó.
Các bà nhớ rất rõ ngôi mộ này, nó còn mới nguyên.
Cách đây mấy ngày, họ đã chứng kiến việc mai táng,
đã để ý nhìn ngôi mộ, và biết rõ chỗ đặt xác Thầy (Lc 23,55).
Bây giờ xác Thầy không còn đó khiến họ hoang mang.
Bao câu hỏi được đặt ra mà không có câu trả lời.
Ai đã lấy xác Thầy? Làm sao tìm lại được?
Điều duy nhất họ quan tâm là thân xác đã chết của Thầy.
Họ ra mộ chỉ để tỏ lòng tôn kính thân xác đó,
thân xác mà họ đã có tương quan thiết thân.
Người ta đã lấy đi mạng sống của Thầy,
nhưng thân xác là điều thiêng liêng bất khả xâm phạm.
Không thể nào chấp nhận được chuyện mất xác Thầy.

Có hai vị mặc y phục chói sáng đứng trong mộ
khiến họ khiếp sợ, cúi mặt xuống đất, chẳng dám nhìn.
Hai vị này sẽ mở đầu bằng một lời trách móc:
“Tại sao các bà lại tìm Đấng đang sống ở nơi người chết?”
Tại sao các bà lại đi tìm xác Thầy ở nơi mộ phần,
là nơi ở của những người đã khuất.
Rồi hai vị loan báo Tin Mừng cho các bà:
“Thầy của các bà không ở đây, nhưng đã được phục sinh.”
Thầy của các bà đang ở trong thế giới của người sống.
Không ai vui hơn các bà khi nghe Tin Mừng này.
Khổ đau vì mất mát lại trở thành niềm vui chứa chan.
Xác thân Chúa vắng mặt lại là dấu hiệu của sự hiện diện.
Để củng cố cho lời của mình, hai vị mời các bà nhớ lại
lời Thầy Giêsu đã tiên báo lúc ở Galilê.
Thầy sẽ bị nộp và đóng đinh, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại.

Các bà trở về gặp Mười Một tông đồ và mọi người khác
để kể cho họ nghe những gì mình đã trải qua.
Biết bao cung bậc của cảm xúc: sợ hãi, lo lắng, buồn phiền,
rồi cuối cùng là hết sợ, hết lo, bình an trở lại.
Nhóm phụ nữ này đã theo Chúa từ Galilê (Lc 8,1-3)
và được coi như người trong nhóm môn đệ (Lc 24,22).
Tuy vậy lời chứng của họ không được đón nhận.
Các tông đồ coi những lời của các bà là chuyện hão huyền,
không đáng tin (Lc 24,11).
Hai môn đệ Emmau cũng được nghe tường thuật của các bà,
nhưng họ đã không tin và đã bỏ về quê (Lc 24,22-23).
Một số môn đệ chạy ra mộ để kiểm chứng lời các bà.
Họ thấy các bà nói đúng, xác Thầy không còn đó.
Phêrô chỉ thấy còn những băng vải liệm.
Ông kinh ngạc nhưng có vẻ chưa tin.

Thầy Giêsu được phục sinh là biến cố độc nhất vô nhị.
Tin vào mầu nhiệm này là một cuộc hành trình.
Các tông đồ và môn đệ không dễ tin.
Ngôi mộ trống, và lời chứng của các bà vẫn không đủ.
Còn cần chính Đấng phục sinh hiện ra cho cả nhóm.
Để làm chứng cho Chúa Phục sinh hôm nay,
chúng ta cũng cần đưa ra một lời chứng tập thể.
Mỗi người trong Hội Thánh làm chứng theo cách riêng.
Chúng ta tôn trọng lời chứng của từng người,
và trân quý lời chứng của hơn hai tỷ kitô hữu.
Làm sao để sức sống của Chúa ở trên khuôn mặt của ta,
bất chấp thế giới hôm nay còn bị bóng tối thống trị.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Xin cho chúng con học được cách cư xử của Chúa.

Khi được Cha trao toàn quyền trên trời dưới đất,
Chúa vẫn cư xử tế nhị như một người phục vụ.
Chúa nướng bánh và cá cho các môn đệ ăn.

Khi được Cha cho sống lại vinh quang,
Chúa vẫn là người đi bước trước đến với các môn đệ.
Chúa hẹn họ đến Galilê, để nối lại tình Thầy trò,
để chữa lành những vết thương do vấp ngã.

Khi được Cha nâng dậy từ cõi chết,
Chúa không quên tấm lòng của các phụ nữ,
những người đã theo Chúa từ lâu,
đã có mặt khi Chúa chịu đóng đinh và chôn táng.
Bởi đó, những phụ nữ đầu tiên ra thăm mộ
là những người đầu tiên được gặp Chúa,
và được Chúa trao sứ mạng loan báo Tin Vui.

Chúng con học nơi Chúa sự nhẫn nại,
khi thấy Chúa chịu đựng sự cứng lòng của ông Tôma,
học nơi Chúa nghệ thuật đồng hành
khi thấy Chúa chuyện trò với hai môn đệ bỏ đi vì thất vọng.

Chúa phục sinh cao cả nhưng đã tự hạ mình
để chinh phục lại nhóm môn đệ, không để mất một ai.
Chúa có nhiều cách để làm cho người ta nhận ra Chúa,
qua việc gọi tên, hay làm cử chỉ bẻ bánh,
qua mẻ cá lạ, hay qua việc cho họ xem những vết thương.
Chúa đến qua hình dáng anh làm vườn hay người khách lạ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Xin dạy chúng con đem đến cho con người hôm nay
an bình và hy vọng, niềm tin yêu và Thánh Thần.
Xin cho khuôn mặt chúng con luôn tươi vui để làm chứng,
luôn bừng sáng để tỏa lan sức sống của Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.