Lời Chúa: Lc 7, 24-30
Khi những người ông Gioan sai đến đã ra về, Ðức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: “Anh em đi xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Những kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện. Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Ðúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng:
‘Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con,
người sẽ dọn đường cho Con đến!’
Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông. Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Còn những người Pharisêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông.”
Suy niệm:
“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7, 23).
Dưới góc độ nào đó, có thể nói Gioan đã “vấp ngã” vì Đức Giêsu.
Khuôn mặt của Ngài không như những gì ông nghĩ và mong đợi.
Ông ngỡ ngàng vì Đức Giêsu hành động ngược với điều ông trình bày.
Rõ ràng Gioan vẫn thuộc về thời đại cũ.
Nhưng Đức Giêsu tôn trọng vị thế của Gioan,
và đã hết lời ca ngợi ông trước mặt dân chúng.
Gioan đã gây nên một phong trào rộng lớn nhằm canh tân.
Ông sinh ra một cách lạ lùng và sống cũng lạ lùng.
Hoang địa là nơi ông chọn để sống một mình và cất tiếng gọi sám hối.
Tiếng gọi này thu hút đến nỗi người ta kéo nhau đến gặp ông.
“Anh em đi xem gì trong hoang địa ?”
Câu hỏi này được Đức Giêsu nhắc đến ba lần (cc. 24-26).
Gioan hẳn không phải là một cây sậy dễ uốn mình theo mọi chiều gió.
Nếu thế thì ông đã chẳng bị bắt và tống ngục.
Gioan cũng không phải là người ăn mặc sang trọng trong cung.
Ông sống khổ hạnh cả về ăn lẫn mặc (Lc 1, 15; 7, 33).
Nếu hoang địa lôi kéo bao đoàn người háo hức đổ về
thì chỉ vì người ta muốn tìm gặp một vị ngôn sứ.
Dân chúng tin Gioan là vị ngôn sứ mà họ chờ đợi đã lâu.
Họ mong được nghe Thiên Chúa nói sau thời gian dài thinh lặng.
Đức Giêsu khẳng định Gioan còn lớn hơn một ngôn sứ nữa (c.26),
bởi lẽ ông chính là người đi trước dọn đường cho Ngài (c. 27).
Ông thuộc về một thời đại đã qua, nhưng ông giới thiệu về thời đại mới.
Ông là ngôn sứ cao trọng hơn các ngôn sứ của Cựu Ước
vì ông trực tiếp chỉ cho mọi người thấy Đấng Cứu độ.
Dọn đường cho Chúa Giêsu đến là việc chúng ta vẫn phải làm.
Ngài vẫn cần những Gioan mới để mở đường cho Ngài vào,
để trở thành nhịp cầu cho con người thế kỷ 21 gặp và tin.
Chúng ta không thể mặc áo lông lạc đà hay ăn châu chấu.
Chúng ta cũng không vào hoang địa để sống độc thân.
Nhưng lối sống của chúng ta phải khiến người đương thời
đặt những câu hỏi về Đức Giêsu, về vĩnh cửu, về ý nghĩa cuộc sống.
Chấp nhận làm người dọn đường cũng phải chấp nhận thất bại.
Những người bình dân và tội nhân đã tin vào sứ điệp của Gioan (c. 29),
còn những người trí tuệ hơn lại khước từ, không chịu phép rửa (c. 30).
Khước từ Gioan là khước từ ý định cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Kitô hữu chúng ta được diễm phúc hơn Gioan
vì được thuộc về Nước Thiên Chúa do Đức Kitô khai mở (c. 28).
Chúng ta đang được hưởng những ân phúc mà Gioan chưa được hưởng.
Gioan chỉ cho dân tộc mình thấy Đấng Cứu Độ,
còn chúng ta được sống tình thân với Đấng Cứu Độ và nên một với Ngài.
Kitô hữu cũng phải chấp nhận sống trong một thứ hoang địa khắc khổ nào đó,
để tiếng kêu của mình dễ được con người hôm nay nghe hơn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.