Lời Chúa: Ga 3, 22-30
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ đến miền đất Giuđê, Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Còn Gioan, đang làm phép rửa tại Ênon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, người ta đến và chịu phép rửa ; vì lúc đó, Gioan chưa bị tống ngục.
Bấy giờ, xảy ra cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp Gioan và nói với ông: “Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan và được Thầy làm chứng cho, thì kìa ông ta đang làm phép rửa và mọi người đều đến với ông ấy!”
Gioan trả lời rằng: “Không ai có thể nhận được gì, nếu không do trời ban cho. Chính các anh đã làm chứng là tôi đã nói: tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đi trước Người. Ai có vợ, người ấy là chồng, còn bạn của chồng đứng đó mà nghe và vui mừng hớn hở vì nghe tiếng nói của người chồng. Đó chính là niềm vui trọn vẹn của tôi. Người phải lớn lên, còn tôi phải bé đi”.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình
tại một nơi nào đó thuộc vùng đất Giuđê.
Nơi đây Đức Giêsu và các môn đệ ở với nhau, và Ngài đã làm phép rửa.
Tại một nơi khác có tên là Ênôn, gần Salim, có lẽ thuộc vùng Samaria,
Gioan Tây Giả cũng đang làm phép rửa
cho những người đến với ông.
Như thế ở hai nơi khác nhau, có hai phép rửa khác nhau,
được làm bởi hai người khác nhau.
Ta không thấy có gì khác biệt về bản chất giữa hai phép rửa này.
Chỉ có điều là phép rửa của Đức Giêsu thu hút được nhiều người hơn.
Các môn đệ của ông Gioan đã nhận thấy điều đó
và họ đi báo cho Thầy Gioan của mình một tin không vui:
“Mọi người đều đến với ông ấy!” (c. 26).
Họ khó chịu vì Đức Giêsu, người đã từng được Thầy của họ làm chứng,
người đã sống bên Thầy ở bên kia sông Giođan (c. 26),
bây giờ lại nổi tiếng hơn Thầy.
Ông Gioan lại chẳng hề khó chịu chút nào.
Ông chưa bao giờ quên sứ mạng của mình là làm chứng cho Đức Giêsu,
Đấng mà ông đã thấy Thần Khí ngự xuống khi chịu phép rửa..
Gioan biết sự cao trọng của mình nằm ở đâu:
Ông là người được Thiên Chúa sai đến trước Đức Kitô (c. 28).
Ông không phải là chú rể, ông chỉ là bạn của chú rể,
vì thế ông không có quyền “có cô dâu” (c.29).
Cựu Ước coi dân Ítraen là cô dâu (Is 62, 4-5; Gr 2, 2; Hs 2, 21).
Tân Ước coi Giáo Hội Kitô là cô dâu (2 Cr 11, 2; Ep5, 25-27. 31-32).
Ông Gioan coi Đức Giêsu là chú rể, và ông đứng đó nghe chàng.
Ông vui mừng hớn hở khi nghe được tiếng nói của chàng.
Khi người ta kéo đến với Đức Giêsu để chịu phép rửa,
thì ông Gioan biết rằng mình đã thành công trong sứ vụ của mình,
sứ vụ làm nhịp cầu cho Dân Chúa và Đức Giêsu Kitô gặp nhau.
Ông như reo lên vì mãn nguyện: “Đó là niềm vui của Thầy,
niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (c.29).
Chúng ta không quên ơn Gioan, không quên sự xóa mình của ông.
Đức Giêsu được hiển linh, được nổi bật, chính vì Gioan đã chịu lu mờ đi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.
Lm. Antôn nguyễn Cao Siêu, S.J