(12.01.2025 – CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA) CON YÊU DẤU CỦA CHA

Phúc Âm: Lc 1, 15-16, 21-22

“Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Đấng Kitô không?” Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”. Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm 1: TRỜI MỞ RA

Các Kitô hữu ở thế kỷ đầu thật hết sức bối rối
trước sự kiện Ðức Giêsu lãnh phép rửa của Gioan.
Tại sao Ngài lại đến với Gioan như một môn đệ
để chịu phép rửa, nhằm bày tỏ lòng sám hối?
Ngài có cần sám hối không nếu thật sự Ngài vô tội?
Ðã có bao câu trả lời cho vấn nạn này.
Chúng ta chỉ cần nhìn ngắm Ðức Giêsu bên bờ sông Giođan.
Ngài đứng xếp hàng cùng với dân tộc của Ngài.
Ngài trà trộn với những tội nhân muốn sám hối.
Ngài chấp nhận dìm mình xuống cùng một dòng sông.
Có ai nhận ra Ngài là Chiên Thiên Chúa,
là Ðấng xóa tội trần gian không?
Ðấng thánh thiện lại khiêm nhu đứng bên kẻ tội lỗi.
Ðấng sẽ làm phép Rửa trong Thánh Thần
nay lại xin được chịu phép rửa sám hối trong nước.
Hành vi đầu tiên công khai của Ðức Giêsu
lại là một hành vi khiêm hạ, dìm mình, mất hút…
Ngài chỉ là một kẻ vô danh bên cạnh một Gioan tăm tiếng.

Nhìn Ðấng Cứu Ðộ cúi mình chịu phép rửa,
chúng ta hiểu được thế nào là đồng hành và liên đới.
Ðồng hành với người khác đòi tôi phải đi chậm lại.
Liên đới với người khác đòi tôi nhỏ bé đi.
Ðồng hành đòi tôi có chung một tâm tình với người khác.
Ðấng vô tội nếm được cái ray rứt của tội nhân
và cảm được nỗi khát khao đổi đời của họ.
Ðức Giêsu đã đồng hành với con người cho đến chết.
Ngài đã chia sẻ thân phận của người nghèo, người khổ đau,
người bị bỏ rơi, bị thất bại, bị kết án
và cả thân phận khắc khoải của tội nhân.
Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm đồng hành.
Thiên Chúa tập làm người để hiểu được con người.
Ngài cúi xuống để nâng con người lên.

Sau khi chịu phép rửa, Ðức Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa.
Ngài muốn gặp gỡ Cha trong tư cách là Con.
Chính trong giây phút hiệp thông sâu đậm này
mà Ngài cảm thấy được Thánh Thần tràn ngập,
và tự thâm tâm, Ngài nghe rõ tiếng của Cha.
Cha âu yếm gọi Ngài là Con và phong Ngài làm Mêsia:
“Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con.”
Từ hôm nay, Ðức Giêsu hiểu rằng giờ lên đường đã điểm.
Thời gian ẩn dật ở Nadarét đã kết thúc.
Cha ban Thánh Thần để ủy thác cho Ngài một sứ mạng.
Ðức Giêsu đã trải qua một kinh nghiệm tuyệt vời…
Sông Giođan, nơi Ngài gắn bó với tội nhân, với dân tộc,
đã trở nên nơi Ngài gắn bó với Cha trong Thánh Thần.
Nơi đi xuống cũng là nơi đi lên.
Nơi Ngài được sai đến cũng là nơi Ngài đang hiện diện.

Chúng ta đã chịu phép Rửa của Ðức Giêsu trong Thánh Thần.
Phép Rửa này có đưa chúng ta lên đường phục vụ không?
Mỗi ngày, ta có lại thấy mình được Cha sinh ra không?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Ðấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến. Amen.

Suy niệm 2: CON YÊU DẤU CỦA CHA

“Còn cậu Giêsu thì tăng trưởng về khôn ngoan, về vóc dạng,
và về ân nghĩa trước Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).
Trong câu trên, thánh Luca gói trọn cuộc sống của Đức Giêsu
từ năm mười hai đến năm hơn ba mươi tuổi.
Chúng ta không biết nhiều về khoảng thời gian này.
Chỉ biết khi Gioan Tẩy giả mời gọi dân đến chịu phép rửa,
để bày tỏ lòng sám hối, hầu được ơn tha tội,
thì ta thấy Đức Giêsu có mặt trong đám đông tội nhân.

Cần ngắm nhìn Đức Giêsu lúc hơn ba mươi tuổi.
Mạnh khỏe, chững chạc, có chiều sâu thiêng liêng.
Từ cậu bé Giêsu đến Anh Giêsu là một con đường dài.
Giêsu mười hai tuổi đã biết Đền thờ là Nhà của Cha mình.
Cậu biết gọi Thiên Chúa là Cha của con.
và đã cảm thấy có một thúc đẩy phải ở lại Nhà Cha.
Đến khi ngoài ba mươi, hẳn Anh Giêsu đã trở nên thân thiết
và gắn bó với Cha sâu hơn biết chừng nào.
Người ngoài có thể nhận ra một điều khác thường nơi Anh.
Anh Giêsu không lập gia đình như những thanh niên khác,
dù anh là người bình thường, dễ mến, thích trẻ con.
Anh vẫn làm việc chăm chỉ với người cha,
nhưng có vẻ Anh đang chờ một điều gì đó.
Nơi Anh ẩn chứa một mầu nhiệm chưa được vén mở.

Anh Giêsu có thói quen cầu nguyện từ bé.
Sau khi nhận được phép rửa của Gioan thì Anh cầu nguyện.
Chính vào giây phút đó, thế giới linh thánh mở ra,
và Anh trải qua một cảm nghiệm đặc biệt phi thường.
Thánh Thần từ trên ngự xuống và ở lại trên Anh.
Kinh nghiệm này như một dấu ấn sâu đậm và mạnh mẽ.
Anh bỗng thấy mình đầy quyền năng của Thánh Thần,
được Thiên Chúa xức dầu để trở nên Đấng Mêsia (Cv 10,38),
và được sai đi để hoàn thành một sứ mạng (Lc 4,18).
Quyền năng của Thánh Thần sẽ không bao giờ rời bỏ Anh.
Với quyền năng đó, Anh sẽ thắng quỷ trong hoang địa,
và sẽ đi giảng dạy khắp miền Galilê (Lc 4,1-2.14).

Cũng chính vào giây phút Đức Giêsu cầu nguyện
với Thiên Chúa là Người Cha thân thương của mình,
thì Cha đáp lại bằng những lời ngọt ngào trìu mến:
“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
Cha hài lòng vì Con đã chịu làm người để đem ơn cứu độ.
Cha hài lòng vì Con đã sống âm thầm trong ba mươi năm
như một người thợ bình thường ở làng quê Nadarét.
Và Cha hài lòng vì giờ đây Con đang đứng ở dòng sông này,
cùng với các tội nhân, đồng hành và chia sẻ thân phận của họ.
Tiếng nói của Cha từ trời là một nâng đỡ lớn cho Con.
Đức Giêsu biết mình đi đúng đường, chọn đúng ý của Cha.
Ngài đã sống vâng phục Cha như Người Con yêu dấu.

Lễ Chúa chịu phép rửa nhắc ta nhớ lại Bí tích Thánh Tẩy.
Bí tích này vĩnh viễn đóng một ấn tích trên ta,
và đưa ta vào tương quan với từng Ngôi vị Thiên Chúa.
Khi chịu phép Thánh Tẩy, Chúa Cha cũng nói với ta:
“Con là con yêu dấu của Cha.”
Chúa Con cũng nói: “Con là bạn và là anh em của Ta.”
Thánh Thần nói: “Thân xác con là Đền thờ, nơi Ta cư ngụ.”
Phép Thánh Tẩy làm ta trở thành môn đệ Chúa Giêsu,
nên cũng trao cho ta sứ mạng làm muôn dân thành môn đệ.
Dù ngọn nến ta nhận lúc chịu phép Rửa có khi trở nên leo lét,
dù chiếc áo trắng có đôi chỗ lấm lem,
nhưng chẳng bao giờ ấn tích của bí tích Thánh Tẩy bị xóa bỏ.
Chúng ta luôn có cơ hội làm mới lại tương quan với Ba Ngôi,
tiếp tục lên đường, tiếp tục dạy đạo và ban phép rửa,
để cả thế giới này thành môn đệ Chúa Giêsu (Mt 28,19-20).

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, là Con Một của Thiên Chúa Cha,
Khi cầu nguyện, Chúa đã gọi Thiên Chúa là Abba.
Tạ ơn Chúa đã cho phép chúng con
cũng được gọi Thiên Chúa là Cha, là Abba.
Tạ ơn Chúa đã dạy chúng cầu nguyện như Chúa,
bắt đầu bằng tiếng gọi Abba thân thương.

Tiếng gọi Abba trên môi Chúa
diễn tả tương quan gần gũi thân thiết,
tương quan độc nhất vô nhị của Chúa đối với Cha.
Và Chúa đã cho chúng con được chia sẻ tương quan ấy:
“Chẳng ai biết Cha ngoài Con, và những ai được Con tỏ lộ.”

Cám ơn Chúa đã dẫn chúng con vào thế giới của Cha.
Chỉ mình Chúa làm được điều đó,
vì chỉ mình Chúa là Đấng thấy Cha và biết Cha,
vì luôn ở trong cung lòng Cha.

Lạy Chúa Giêsu,
Đã bao lần Chúa gọi Cha trong đời.
Chúa gọi Abba trong Vườn Dầu và trên thập giá.
Chúa vẫn gọi Thiên Chúa là Abba
cả trong những giây phút thấy Cha vắng bóng.

Nhờ Chúa và trong Thánh Thần,
chúng con được phúc làm nghĩa tử của Cha.
Xin cho chúng con vững tin vào Cha,
người lo cho chúng con cơm ăn áo mặc hàng ngày,
và bảo vệ chúng con khỏi kẻ thù mưu mô cám dỗ.
Xin cho chúng con sống như con thật của Cha,
trở nên hoàn thiện như Cha nhờ yêu thương,
để một ngày nào đó
cả thế giới nhìn nhận Cha là Cha của mọi người. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ