(06.10.2024 – CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN B) KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY

Phúc Âm: Mc 10, 2-16

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.

Ðó là lời Chúa.

BÀI 1: KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY

Suy Niệm

Thời xưa, người phụ nữ chưa được tôn trọng.
Người vợ bị coi như một vật sở hữu của người chồng,
nên người chồng hoàn toàn có quyền ly dị vợ.
Ông Môsê cũng đồng ý để chồng bỏ vợ
nếu thấy nơi vợ có điều chi không vừa ý mình (Đnl 24,1).
Tuy vậy các bậc thầy trong Do-thái giáo ở thế kỷ thứ nhất
lại không nhất trí với nhau về thế nào là không vừa ý.
Thầy Shammai bảo là nếu chị ấy không chung thủy.
Thầy Hillel bảo chỉ cần chị ấy nấu một món ăn quá dở.
Còn thầy Akiba bảo nếu chồng thấy một cô khác xinh hơn.
Nói chung, người ta luôn có đủ lý do để ly dị vợ.

Có lẽ những người Pharisêu biết lập trường của Đức Giêsu
nên mới đặt câu hỏi để đưa Ngài vào bẫy:
“Chồng có được phép rẫy vợ không?” (Mc 10,2)
Đức Giêsu đã không trả lời câu hỏi này, nhưng hỏi ngược lại.
Ngài đòi họ đưa ra câu trả lời dựa trên Luật Môsê:
“Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?”
Những ông Pharisêu thông thạo lề luật trả lời ngay:
“Ông Môsê đã cho phép viết chứng thư ly dị mà rẫy vợ.”
Câu đáp nhanh của người Pharisêu cho thấy
họ đã biết câu trả lời rồi, họ hỏi cốt để dò xét Ngài thôi.

Đức Giêsu có dám nói điều gì ngược với Môsê không?
Ngài đã có dám nói điều gì khác với sách Đệ nhị luật không?
Đức Giêsu không muốn đối đầu với Luật Môsê.
Ngài chỉ muốn biện minh cho Môsê khi ông cho phép ly dị.
Môsê cho phép vì lòng dạ cứng cỏi của dân Israen thời xưa,
và vì lòng chai dạ đá của các ông Pharisêu thời của Ngài.
Cho phép ly dị không phải vì đó là điều tốt,
nhưng là một nhượng bộ khi con người chưa đủ tầm.
Đức Giêsu đưa các ông Pharisêu đi xa hơn sách Đệ nhị luật.
Ngài đưa các ông đi vào sách Sáng thế,
để thấy lúc khởi đầu của công trình tạo dựng (Mc 10,6).
“Thiên Chúa làm ra con người có nam có nữ” (St 1,27).
“Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình;
cả hai sẽ thành một xương một thịt” (St 2,24).
Những câu trích trên của Đức Giêsu không có gì là mới mẻ.
Điều mới mẻ nằm ở hai kết luận rút ra từ đó:
“Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một thịt.
Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly” (Mc 10, 8-9).

Hôn nhân thường được coi là chuyện riêng của đôi nam nữ.
Yêu nhau thì gắn bó với nhau nên vợ nên chồng.
Nhưng Đức Giêsu cho thấy đây không hẳn là chuyện riêng,
vì Thiên Chúa có mặt ở đây,
trong chỗ riêng tư nhất của tình yêu hai người.
Chính Thiên Chúa đã xe duyên, đã phối hợp đôi bạn.
Bởi đó hôn nhân cũng là chuyện của Thiên Chúa.
Vợ chồng không được ly dị vì điều đó phạm đến Ngài.
Hôn nhân trong Do-thái giáo không phải là một bí tích,
nhưng Đức Giêsu không hề coi đó là chuyện tự nhiên.
Trái lại, Ngài coi hôn nhân là thánh thiêng, bền vững.
Khi về nhà, Ngài mới nói với các môn đệ điều chưa nói:
Ai bỏ vợ, hay bỏ chồng mà đi lấy người khác
là phạm tội ngoại tình, xúc phạm người phối ngẫu trước.

Hiện nay tỷ lệ ly dị rất cao ở các nước Âu Mỹ.
Ở Việt Nam, gần đây tỷ lệ này cũng tăng lên nhiều.
Cả người Công giáo cũng đưa nhau ra tòa xin ly dị.
Ít người chịu nghĩ đến lời mình đã hứa trước mặt cộng đoàn:
Yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời,
dù giàu hay nghèo, dù khỏe mạnh hay ốm đau,
dù vấp ngã hay thủy chung, dù an bình hay sóng gió.
Cuộc hôn nhân nào cũng có lúc gặp sóng gió.
Tình yêu vợ chồng được lớn lên nhờ sóng gió,
nhờ hai người hiệp lực chống lại cuồng phong.
Đừng vội quyết định chia tay để giải quyết nhanh gọn.
Hãy tiếp tục đi với nhau, đi bên nhau,
dù mọi sự có vẻ hoàn toàn đổ vỡ, không sao hàn gắn,
dù những tổn thương gây cho nhau không dễ quên.
Xin Lời Đức Giêsu hôm nay chạm đến khó khăn của ta,
mời ta thắt chặt những mối dây lỏng lẻo,
làm ấm lại những tương quan đã nguội lạnh từ lâu.
Và xin Ngài giúp ta điều chỉnh lại cánh buồm của mình
khi thuyền đời chúng ta gặp gió ngược.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
Sống ở đời chẳng ai thích sóng gió,
nhưng sóng gió lúc nào cũng có trong đời người.
Các môn đệ đầu tiên đã nhiều lần gặp sóng gió ở hồ Galilê.
Sóng gió đến khi Chúa đang ngủ vùi trên thuyền,
khiến môn đệ phải vội vàng đánh thức.
Sóng gió đến khi Chúa không ở trong thuyền,
khiến môn đệ phải chèo chống vất vả.

Chúa không tránh cho cuộc đời chúng con khỏi mọi sóng gió,
vì Chúa biết sóng gió làm chúng con trưởng thành,
tập vượt qua nỗi sợ hãi bằng lòng tin,
tập vượt qua nỗi lo âu bằng hy vọng.
Chúa để chúng con chiến đấu suốt đêm với gió ngược,
nhưng lại đến với chúng con khi trời gần sáng.

Xin cho chúng con yêu quý sự bình an,
nhưng lại không ngỡ ngàng trước sóng gió.
Giữa cơn sóng gió, xin cho chúng con tin rằng
Chúa vẫn hiện diện gần bên chúng con,
và đang đưa con thuyền Giáo Hội về đến bến.

BÀI 2: CHỈ LÀ MỘT

Suy Niệm

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phép phân ly”
Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ
và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.
Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng
ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng ?
Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các kitô hữu vẫn tăng.
Sống với nhau suốt một đời trở thành ước mơ khó đạt.

Trong xã hội Do thái giáo thời Đức Giêsu,
người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.
Người vợ là một thứ tài sản của người chồng,
nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ,
có khi ly dị vì một lý do cỏn con.
Trước câu hỏi: “Chồng có được rẫy vợ không ?”
Đức Giêsu kiên quyết nói không.
Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế.
Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần.
Lập trường của ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo
của thời đó cũng như thời nay.
Điều này khiến các môn đệ của Đức Giêsu có lần bị sốc.
Họ nói: “Nếu vậy thì thà đừng lấy vợ thì hơn” (Mt 19, 10).
Hóa ra các ông vẫn cho mình có quyền bỏ vợ nếu muốn.

Khi người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật
để biện minh cho việc ly dị đúng theo luật Môsê,
Đức Giêsu lại trích sách Sáng Thế,
để nhấn mạnh đến sự hiệp nhất vĩnh viễn của vợ chồng.
Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.
Điều này nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.
Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời.
Đức Giêsu đến để hoàn chỉnh luật Môsê
và khai mở trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa.

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp…”
Vậy trong Lễ Cưới, không phải chỉ có hai người yêu nhau,
lấy nhau và cam kết suốt đời sống cho nhau.
Hôn nhân không chỉ là bản hợp đồng giữa hai bên.
Còn cần một bên thứ ba là Thiên Chúa,
Đấng phối hợp và làm cho hai bên kia nên vợ nên chồng.
Thiên Chúa có mặt trong mỗi Lễ Cưới,
và tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người muốn bỏ cuộc.

Chung thủy chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.
Khi thịnh vượng, lúc gian nan; khi bệnh tật, lúc mạnh khỏe.
Còn nhiều tình huống khác đe dọa hôn nhân:
khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối vấp ngã,
khi đổ vỡ quá lớn và vết thương quá nặng,
khi đời sống vợ chồng trở thành như hỏa ngục…
Những khi ấy, yêu thương và kính trọng nhau thật khó.
Con người bị cám dỗ tìm giải pháp chia tay.

Chúng ta cầu cho những ai đã và sẽ kết hôn.
Xin cho họ bớt một chút ích kỷ, thêm một chút khiêm tốn,
bớt một chút tự ái, thêm một chút phục vụ,
bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…
Nhờ đó họ cộng tác với Thiên Chúa
trong việc bảo vệ và tưới bón tình yêu.

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Đâu là những hậu quả của việc ly dị ?

2. Việc ly dị ảnh hưởng thế nào trên xã hội và Giáo hội ?

3. Theo ý bạn, đâu là những nguyên nhân đưa đến việc vợ chồng chia tay nhau ?

Cầu Nguyện

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.

Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình ;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ