Lời Chúa: Ga 20, 19-23
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
Suy niệm:
Khi Thầy Giêsu về với Chúa Cha, ngang qua cuộc Khổ nạn,
Ngài biết các môn đệ sẽ ưu phiền (Ga 16,6.22),
vì mất đi một sự hiện diện gần gũi với con người của Thầy.
Nhưng Thầy hứa sẽ không để họ mồ côi (Ga 14,18).
Thầy sẽ sai Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đến với họ,
để Thánh Thần ở với, ở bên, và ở trong các ông (Ga 14,16-17).
Chúa Giêsu phục sinh đã giữ đúng lời hứa (Ga 20,22-23).
Ngài đã hiện ra, thổi hơi trên các môn đệ, và ban Thánh Thần.
Thánh Thần là hơi thở sự sống của Chúa phục sinh.
Thánh Thần là một Ngôi Vị mới mẻ, khác với Thầy Giêsu.
Các môn đệ phải dần dần làm quen với Ngôi Vị này.
Họ đã quen với Thầy Giêsu trong gần ba năm qua,
quen với một Đấng có thân xác, có nhân tính như họ.
Họ đã thấy, nghe, và chạm vào Thầy mình (1 Ga 1,1-3).
Họ đã thấy tay và cạnh sườn của Thầy sau phục sinh.
Bây giờ họ phải làm quen với một Đấng mới,
Đấng ấy không có thân xác để sờ chạm và ngắm nhìn.
Đấng ấy nói nhưng không nghe được bằng tai thường.
Các môn đệ phải làm quen với một cách hiện diện mới.
Họ từ từ thấy Thánh Thần đang hoạt động giữa họ,
Từ từ nhận ra Thánh Thần là một Ngôi Vị thần linh.
Thánh Thần xuất hiện như một vị Thầy mới,
tiếp tục dạy dỗ họ sau khi Thầy Giêsu về với Chúa Cha.
Thầy Giêsu ra đi khi còn nhiều điều cần nói với môn đệ,
nhưng giờ đây họ không đủ sức lãnh nhận (Ga 16,12).
Khi Thánh Thần đến, Ngài sẽ dạy họ mọi điều
và làm họ nhớ lại mọi điều Thầy Giêsu đã nói (Ga 14,26).
Ngài sẽ loan báo những gì là của Thầy Giêsu (Ga 16,14)
và sẽ dẫn họ vào tất cả sự thật (Ga 16,13).
Thánh Thần khiêm hạ, vì không tự mình nói gì (Ga 16,13).
Ngài làm chứng và tôn vinh Chúa Giêsu (Ga 15,26; 16,14).
Như Chúa Giêsu đã khiêm hạ trước Chúa Cha,
có thể nói Thánh Thần đã khiêm hạ trước Chúa Giêsu.
Mọi lời nói, việc làm của Thánh Thần đều quy về Chúa Giêsu,
chỉ mong Giêsu được mọi người nhận biết.
Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ trong Hội Thánh lúc ban sơ.
Sách Công vụ Tông đồ cho ta thấy rõ điều đó.
Thánh Thần là quyền năng Thiên Chúa ban từ trời.
Người ta nhận được nhờ cầu nguyện hay do đặt tay,
nhờ nghe giảng hay chịu phép Rửa (Cv 8,15.17; 10,44; 2,38).
Khi được đầy tràn Thánh Thần
các môn đệ trở thành chứng nhân cho Chúa Giêsu
cùng với Thánh Thần (Cv 1,8; 5,32; Ga 15,26-27).
Nhờ Thánh Thần, họ làm được các dấu lạ (Cv 2,43),
được ơn nói tiếng lạ và ơn nói tiên tri (Cv 2,4-11; 19,6).
Chúa Thánh Thần dần dần không còn xa lạ nữa.
Ngài đúng là Chúa, là Thầy, là Đấng Bảo trợ.
Các tín hữu quen nghe được tiếng chỉ bảo của Ngài.
Ngài đòi dành riêng để sai đi Banaba và Sao-lô (Cv 13,2.4).
Thánh Thần đã soi sáng cho các tông đồ và kỳ mục
để cùng quyết định trong công nghị ở Giêrusalem (Cv 15,28).
Hôm nay, Thánh Thần vẫn hiện diện nơi Hội Thánh.
Ngài vẫn ban muôn ơn riêng cho từng chi thể vì ích chung.
Ngài vẫn ban sự sống mới để Hội Thánh luôn luôn mới.
Ngài vẫn quy tụ và hiệp nhất mọi tín hữu bất chấp khác biệt.
Hôm nay, Thánh Thần vẫn cùng đi với Hội Thánh hiệp hành.
Ngài đem đến sự hiệp thông, như thánh Gioan Kim Khẩu nói:
“Kẻ ở Rôma biết rằng người Ấn Độ chính là chi thể của mình.”
Xin cho các Kitô hữu biết mềm mại để đón lấy luồng gió mới
mà Thánh Thần đang thổi trong Hội Thánh,
biết lắng nghe Thánh Thần nơi những người bé nhỏ nhất,
và biết khiêm tốn từ bỏ những định kiến đã bám rễ từ lâu.
Lời Nguyện:
Lạy Cha, xin ban cho chúng con Thánh Thần.
Vì không có Thánh Thần,
Cha sẽ là Đấng nghìn trùng xa cách,
Đức Kitô trở thành nhân vật của quá khứ,
Sách Tin Mừng là mớ chữ vô hồn,
Hội Thánh chẳng khác nào một tổ chức trần thế.
Vì không có Thánh Thần của Cha,
quyền uy trở thành sức mạnh thống trị,
truyền giáo trở thành tuyên truyền,
việc phụng tự trở thành một thứ lễ bái,
cách hành xử của kitô hữu thành thứ đạo đức của nô lệ.
Nhưng nếu có Thánh Thần,
vũ trụ này được nâng lên,
những quặn đau để sinh ra Nước Cha mang ý nghĩa,
Đức Kitô phục sinh thật sự hiện diện,
Tin Mừng thành sức sống vô bờ,
Hội Thánh có nghĩa là hiệp thông.
Nếu có Thánh Thần của Cha,
quyền uy của Hội Thánh là khí cụ phục vụ,
truyền giáo trở thành một lễ Hiện Xuống mới,
phụng vụ là một tưởng niệm và là một thực tại,
các hành động của con người mang tính thần linh.
Lạy Cha, xin ban Thánh Thần cho chúng con.
(dựa theo Đức Thượng phụ Athenagoras)
Antôn Nguyễn Cao Siêu