LỜI CHÚA: Lc 17,5-10
5 Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” 6 Chúa đáp : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : ‘ Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc ‘, nó cũng sẽ vâng lời anh em.
7 “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó : ‘Mau vào ăn cơm đi’, 8 chứ không bảo : ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau !’ ? 9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? 10 Đối với anh em cũng vậy : khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng hôm nay có thể gây sốc vì nhiều lý do.
Chúng ta không hiểu thái độ của ông chủ trong dụ ngôn.
Tại sao ông đối xử tàn nhẫn với anh đầy tớ?
Tại sao ông lạm dụng anh khi bắt anh làm việc nhiều?
Tại sao ông không biết ơn anh đầy tớ chăm chỉ?
Và cuối cùng, tại sao Chúa Giêsu lại bảo chúng ta
hãy nói mình là những đầy tớ vô dụng,
dù chúng ta đã làm tròn điều phải làm (Lc 17,10)?
Người đầy tớ trong dụ ngôn này thật ra là một anh nô lệ.
Vào thời Kinh Thánh được viết, vẫn còn chế độ nô lệ.
Có người làm nô lệ vì bị bắt làm tù binh (1 V 9,21),
vì mắc món nợ lớn không trả nổi (Xh 22,2)
hay vì nghèo quá nên tự bán mình (Lv 25,39).
Nô lệ là tài sản của chủ, được coi như đầy tớ trong nhà,
nhưng cũng được quý mến (Lc 7,2), có khi được học cao,
cho hưởng nhiều chức vụ và quyền lợi (Lc 12,42.45).
Người nô lệ khác với người làm công ở điểm này:
anh không có quyền đòi chủ trả công hay biết ơn,
và anh phải luôn luôn làm theo mệnh lệnh của chủ.
Chúa Giêsu ví các Tông đồ như các nô lệ hay đầy tớ.
Ông chủ của họ là Thiên Chúa.
Người nô lệ làm việc cho chủ, cày ruộng hay chăn chiên.
Cả ngày anh vất vả ngoài đồng, đến chiều mới về nhà,
dĩ nhiên chủ sẽ không mời anh ngồi ngay vào bàn ăn.
Không, anh sẽ phải xuống bếp, dọn bữa cho chủ,
rồi thắt lưng hầu bàn, cho đến khi chủ ăn xong.
Đó mới là lúc anh dùng bữa.
Đối với người sống thời Chúa Giêsu,
cách cư xử của ông chủ này chẳng có gì là quá đáng.
Ông chủ nào cũng làm như thế thôi.
Chẳng có chuyện anh nô lệ đi làm về, được nghỉ ngơi,
rồi ngồi đồng bàn, ăn chung với chủ.
Cũng chẳng có chuyện sau đó ông chủ phải cảm ơn,
hay cho anh ấy một món quà để thưởng công.
Chẳng ông chủ nào làm như thế với người nô lệ!
Chúa Giêsu đã mời những vị Tông đồ đang nghe dụ ngôn
đặt mình vào tư thế của ông chủ để hiểu thái độ của ông.
Giờ đây Ngài mời họ đặt mình vào tư thế của anh nô lệ.
Anh này đã làm mọi mệnh lệnh ông chủ đưa ra
như đi cày hay chăn chiên, dọn bữa hay hầu bàn.
Anh có tự cao hay tự hào vì đã làm mọi việc ấy không?
Anh có đòi chủ phải làm gì điều đó cho anh không?
Câu trả lời đơn giản là không.
Chúa Giêsu nói: “Đối với anh em cũng vậy.”
Ngài mời các Tông đồ là những vị lãnh đạo tương lai,
hãy bắt chước thái độ của người nô lệ vâng phục chủ.
Sau khi chu toàn mọi việc chủ giao,
thì nhận mình chỉ là những nô lệ bình thường, bất xứng,
thậm chí là vô dụng (Lc 17,10).
“Chúng tôi chỉ làm điều chúng tôi phải làm thôi.”
Dụ ngôn trên đây về người nô lệ hẳn đánh động các Tông đồ.
Có thể nói các Tông đồ cũng là những nô lệ cho Thiên Chúa.
Nhưng đây không phải là những nô lệ bị ép buộc.
Trái lại, họ đã tự do uốn ý muốn của họ cho hợp với ý Chúa.
Họ cũng đi cày hay chăn chiên, cũng hầu bàn hay nuôi dân.
Và họ coi đây là bổn phận phải làm một cách vô vị lợi,
bởi lẽ được phục vụ cho chủ đã là phần thưởng rồi.
Làm sao để chúng ta không bị nặng nề
bởi việc tuyên dương những công trình mình đã thực hiện?
Làm sao để chúng ta thanh thoát với tiếng tăm,
và ra khỏi những tìm kiếm đặc quyền hay vinh dự?
Xin được học sự tự hạ nơi người nô lệ mang tên Giêsu (Pl 2,7).
LỜI NGUYỆN:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm hấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người,
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. (R. Tagore)
Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ