Phúc Âm: Mt 13, 36-43
“Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp lại rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
“Chẳng phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng của ông sao?
Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” (Mt 13, 27).
Có lẽ một số Kitô hữu trong Hội Thánh sơ khai đã đặt câu hỏi tương tự
khi họ thấy có những phần tử xấu trong cộng đoàn của mình.
“Ông có muốn chúng tôi nhổ đi không?”
Ông có muốn chúng tôi trục xuất họ ra khỏi cộng đoàn không?
Có người tưởng rằng một Hội Thánh phải gồm toàn những thánh nhân.
Hội Thánh không có chỗ cho tội nhân, cho con cái Ác Thần (c. 38).
Lời từ chối của ông chủ ruộng cho thấy sự nhẫn nại của Thiên Chúa.
“Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.
Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13, 28-29).
Thiên Chúa chấp nhận cỏ lùng mọc chung với lúa,
con cái Nước Trời sống chung với con cái Ác Thần cho đến tận thế.
Nhẫn nại và bao dung là dấu hiệu của sự thánh thiện đích thực,
sự thánh thiện này biết chờ đợi, biết tôn trọng tự do của con người.
Đôi khi chúng ta cũng có thái độ nóng nảy của Giacôbê và Gioan,
khi đòi đốt cả làng người Samari khi họ không chịu đón Chúa (Lc 9, 54).
Chúng ta vẫn sống trong một thế giới vàng thau lẫn lộn.
Có khi không phân biệt được lúa với cỏ lùng,
vì trong cái tốt vẫn ẩn hiện bóng dáng của cái bất toàn,
và trong cái xấu thi thoảng cũng lóe lên những tia sáng của chân lý.
Một người tốt có thể trở nên cỏ lùng.
Một người xấu có thể trở nên gié lúa trĩu hạt.
Chúng ta chưa thể nói gì về một con người khi người ấy chưa nhắm mắt,
và khi chưa nghe lời phán xử cuối cùng của Thiên Chúa.
Người đầu tiên được bảo đảm vào Nước Trời lại là một tên gian phi.
Nhiều vị thánh hôm nay là những người trước đây đã làm điều gian ác.
Nếu tôi tự đặt câu hỏi: Tôi là lúa hay cỏ lùng?
Tôi sẽ thấy lúng túng khi tìm câu trả lời.
Nơi trái tim tôi, tôi thấy có sự giằng co giữa chọn Chúa và Ác Thần.
Có lúc tôi thấy mình như đã thuộc trọn về Chúa,
có lúc lại thấy thế gian và xác thịt như hoàn toàn thống trị mình.
Ngay trong điều tốt tôi làm, vẫn có điều gì không tuyệt đối trong suốt.
Tôi hiểu rằng cỏ lùng vẫn có chỗ trong thửa ruộng của lòng tôi.
Thiên Chúa vẫn chấp nhận tôi như thế đó.
Nếu Ngài nghiêm phạt tôi thì tôi đâu còn sống đến nay.
Dụ ngôn trên nhắc chúng ta không được tiếm quyền xét xử của Thiên Chúa,
không đòi xóa sạch sự dữ trong một sớm một chiều.
Nhưng chúng ta lại không được để mặc cho sự dữ thao túng.
Chúng ta dám hy sinh mạng sống để xây dựng một thế giới công bình.
Đức Giêsu đã bị sự dữ nuốt chửng, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng.
Cuộc đời Kitô hữu là một nỗ lực không ngừng để nhổ cỏ lùng nơi mình,
và khao khát vươn tới sự thánh thiện của chính Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J