Tín thác và hy vọng (Bài giảng Chúa nhật VIII thường niên A)

26.02.2017Một khi xác tín Chúa là Cha, chúng ta phó thác nơi Ngài, như người con hiếu thảo tin tưởng ở cha mẹ mình. Những lời khuyên kèm theo cách diễn tả của Chúa Giêsu giúp chúng ta sống niềm tín thác đó.
Có những lúc tịnh tâm suy niệm trước mặt Chúa, chúng ta nghiệm ra một điều, những lo lắng dằn vặt trong quá khứ, những bận tâm trăn trở của những ngày đã qua là những lo lắng vô nghĩa. Cuộc sống xung quanh vẫn diễn ra như nó phải xảy đến, với biết bao vui buồn trộn lẫn. Dòng đời vẫn lặng lẽ trôi như nó phải trôi, với những thành công thất bại đan xen. Quá lo lắng hoặc vội vã phản ứng trước một sự việc dễ dẫn chúng ta đến tình trạng bi quan hoặc nóng vội và đem lại những hậu quả khôn lường cho bản thân và những người xung quanh. Một cái nhìn dưới lăng kính đức tin, sẽ giúp chúng ta bình tâm và khơi nên niềm hy vọng giữa những khó khăn bất trắc của cuộc đời.

Bài Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay thường được đề nghị đọc trong thánh lễ đầu năm với lời mời gọi hãy cậy trông nơi Chúa vào lúc khởi đầu một năm mới, thay vì âu lo sợ hãi. Trong Bài Tin Mừng này, chúng ta tìm thấy ở đó sự an ủi của Chúa giữa bao phong ba bão táp của cuộc đời. Thiên Chúa vừa được trình bày như một người Cha, Ngài cũng được diễn tả như một người Mẹ. Chẳng cha mẹ nào ở trần gian nỡ bỏ con cái. Ngày nay, thi thoảng chúng ta thấy có trường hợp bà mẹ đơn thân đem con mới sinh bỏ ở cửa chùa hay cửa nhà thờ, chúng ta đã vội kết án bà mẹ đó là vô phúc. Nhưng thực ra, nếu có những trường hợp nêu trên, là vì người mẹ phải chịu quá nhiều áp lực không còn cách nào khác, chứ thực tâm không bao giờ nỡ bỏ đứa con mình dứt ruột sinh ra. Kinh nghiệm cho thấy, những bà mẹ lỡ làng bỏ rơi con, sau này ôm mối hận khôn nguôi và nỗ lực bằng mọi cách đi tìm kiếm đứa con lưu lạc. Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Ngài dẫn đưa và độ trì chúng ta bằng cánh tay mạnh mẽ quyền năng của Ngài. Ngài cũng là người Mẹ luôn ấp ủ vỗ về chúng ta trong những lúc gian nan của cuộc sống. Hiếm thấy có vị thần linh nào trong các truyền thống tôn giáo và tín ngưỡng được so sánh với hai hình ảnh thân thương này là người cha và người mẹ (Bài đọc I).

Chúa Giêsu đã đến trần gian để nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là Cha của mọi người, mọi vật mọi loài. Toàn bộ lời giáo huấn và cuộc sống của Chúa Giêsu đều nhằm quảng diễn chân lý này. Mặc dù dân tộc Do Thái được chọn làm dân riêng, Thiên Chúa vẫn là Cha của mọi dân tộc, mọi dòng họ, chứ không phải của riêng người Do Thái. Một khi xác tín Chúa là Cha, chúng ta phó thác nơi Ngài, như người con hiếu thảo tin tưởng ở cha mẹ mình. Những lời khuyên kèm theo cách diễn tả của Chúa Giêsu giúp chúng ta sống niềm tín thác đó. Lo lắng mà làm gì. Có ai lo lắng mà làm có thể kéo dài đời mình được đâu. Vậy thì thay vì lo lắng tính toán, thì tốt hơn hết là phó thác đời mình cho Chúa, để Ngài lo liệu, vì Chúa biết những gì cần thiết và đem lại hạnh phúc vững bền cho chúng ta. Thay vì hằn học than phiền thì đón nhận cuộc sống này với cái nhìn lạc quan, bởi sự lạc quan và thân thiện thường làm cho tình trạng khó khăn của cuộc sống được cải thiện.

Đối với những ai nhìn cuộc đời theo lăng kính đức tin, thì đóa hoa huệ ngoài đồng, con chim hoang dã và biết bao tạo vật khác nhắc nhở họ về quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa. Khởi đi từ những tạo vật đơn sơ ấy, họ liên hệ đến phẩm giá con người. Có lẽ nào Chúa không quan tâm đến con người, vì con người còn cao quý hơn đóa hoa đồng nội, hơn con chim hoang dã. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa, vì vậy họ chiếm vị trí đặc biệt trong trái tim của Ngài.

Để xứng với tình Chúa yêu thương và đáng được Ngài ban ơn che chở, Chúa Giêsu nhắc chúng ta: hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài. Đây phải là điều ưu tiên số một trong cuộc sống. Việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa phải chi phối trọn vẹn đời sống và con người chúng ta, từ nếp nghĩ đến hành động, để rồi cuộc sống của chúng ta toát lên sự thánh thiện mà chúng ta nhận được từ nơi Chúa là Đấng Công Chính và Thánh Thiện. Một khi chúng ta chuyên tâm tìm sự công chính của Chúa thì những nhu cầu khác, chính Chúa sẽ ban cho chúng ta, vì Ngài thấu hiểu những thiếu thốn và những ước vọng của mỗi người, như người mẹ biết rõ ý con mình và sẵn sàng hy sinh bù đắp cho con. Người tin Chúa mà còn quá nặng nề về đam mê vật chất, được Chúa so sánh như người làm tôi hai chủ. Nơi người này, chẳng bao giờ có sự trung thành tuyệt đối. Cũng chằng có sự toàn tâm toàn ý, vì bị giằng co giữa hai khuynh hướng, như cây sậy phất phơ chao đảo giữa con sóng cuộc đời.

Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chímh của Ngài, một cách cụ thể là thực hành giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng để thánh hóa bản thân và xây dựng một mối tương quan hài hòa với tha nhân. Khi đã coi việc thực hành Lời Chúa là ưu tiên số một trong cuộc đời, thì chúng ta chẳng còn lo lắng gì nữa, kể cả khi bị người đời vu khổng hay coi thường. Thánh Phaolô đã nêu một chứng từ cá nhân cụ thể: Phó thác nơi Chúa giúp thánh nhân tìm được bình an và “lương tâm không hề áy náy về điều gì” (Bài đọc II).

“Tin không gì khác hơn là việc sờ chạm được vào bàn tay Thiên Chúa trong đêm đen của trần thế, và cứ thế – trong tĩnh lặng – lắng nghe lời Ngài, nhìn thấy tình yêu”. ( Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI – Huấn đức kết thúc tuần tĩnh tâm cho giáo triều Rôma, trước ngày chấm dứt nhiệm kỳ Giáo hoàng, ngày 23-2-2013).

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên