Trang chủ / SUY NIỆM - CHIA SẺ / CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN C, BIẾN ĐỔI (Kn 11,22-12,2; 2Tx 1,11–2, 2; Lc 19,1-10)

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN C, BIẾN ĐỔI (Kn 11,22-12,2; 2Tx 1,11–2, 2; Lc 19,1-10)

giakeu1Harold Hughes xưa kia là Thống đốc tiểu bang Iowa, và là một nghị sĩ của Hoa kỳ. Nhưng cuộc đời của ông đã không luôn luôn thành công. Trong tập tự truyện, Hughes kể lại rằng thời trai trẻ ông đã là “một người nghiện rượu, dối trá và lừa đảo”. Vào một thời điểm trong đời ông, đã phá hủy tất cả mọi sự, và mất tất cả…
Một đêm nọ ông tuyệt vọng nhảy vào bồn tắm và chuẩn bị tự tử. Ông dí khẩu súng shotgun vào bụng, rồi nhốt cái chùi giẻ vào miệng. Khi ông sắp sửa bóp cò súng, thình lình ông nhớ lại Thánh Kinh đã nói giết mạng sống mình là sai. Và ông đã cố cắt nghĩa với Chúa lý do tại sao ông lại làm điều kinh tởm này. Ông trèo ra khỏi bồn tắm, qùi xuống nền gạch lạnh lẽo, và gục đầu trên thành bồn tắm. Trong tư thế đó, ông nói chuyện với Chúa đang khi khóc nức nở. Sau đó có một điều gì đã xẩy ra mà ông chưa bao giờ cảm nghiệm thấy trong đời. Ông viết trong cuốn tự truyện như sau:
“Một sự bình an ấm áp dường như bao phủ lấy tôi. Những tội lỗi của tôi dường như tan biến. Thiên Chúa cúi xuống và ôm lấy tôi. Giống như một đứa trẻ bị thất lạc trong cơn giông bão, thình lình tôi bị vấp chân ngã vào cánh tay ấm áp của Cha tôi. Đang khi quì gối trên nền nhà tắm, tôi đã hiến dâng hoàn toàn con người của tôi cho Thiên Chúa, và tôi nói với Ngài,”Bất cứ việc gì Ngài sai con làm, lạy Cha, con sẽ thực thi thánh ý Cha”.
Kinh nghiệm đáng nhớ muôn đời đó đã bắt đầu một sự biến đổi hoàn toàn đối với Harold Hughes. Mười năm sau, ông được bầu làm Thống đốc tiểu bang Iowa. Bảy năm sau nữa, ông được bầu vào Thượng viện của Hoa kỳ. Sau cùng, vào năm 1975, ông rút lui khỏi hậu trường chính trị, về hưu và làm việc trọn ngày cho chương trình giúp đỡ những người cai thuốc phiện và nghiện rượu (Nguyễn Văn Thái).
Cuộc biến đổi Harold Hughes, gợi cho chúng ta cuộc biến đổi của Giakêu trong Tin Mừng Lc 19,1-10. Giakêu là Giám đốc của Sở thu thuế thành Giêricô – một thành phố thương mại sầm uất giàu có. Như chúng ta đều biết, người dân Do Thái vừa sợ vừa khinh những nhân viên thu thuếvì tình cảm dân tộc: Những nhân viên này cộng tác với Đế quốc La Mã để cai trị và bóc lột anh em đồng hương. Ngoài ra, dân chúng ghét người thu thuế vì bản chấtcủa nghề này: nhân viên thu thuế thường ăn chặn và khai khống lên tiền thuế của người dân để bỏ vào túi riêng, chưa kể đến việc hối lộ tham nhũng…. Giakêu lại là sếpcủa người thu thuế, con người quyền uy khiến cho dân chúng sợ hãi trước mặt, khinh bỉ sau lưng.
Ông là người quyền uy, giàu có như Tin Mừng nhấn mạnh (x. Lc 19,2). Vì lẽ đó, ông chẳng phục hay sợ bất cứ người Do Thái nào, nếu có luồn cúi nhờ vả thì chỉ trước cấp trên người La Mã. Nhưng ông có nghe nói về một người tên là Giêsu rao giảng tình thương đồng loại, được dân chúng kính nể và tôn là Ngôn sứ, là Đấng Messia. Từng bước đi của vị Ngôn sứ là hàng ngàn dân theo để lắng nghe lời giảng dạy…. Một con người Do Thái bình thường sao lại cuốn hút dân chúng đến thế. Trong tâm trí ông luôn thắc mắc về Con Người lạ lùng này, thắc mắc đó khiến ông tò mò muốn được “nhìn thấy” xem ông Giêsu là con người thế nào. Có lẽ cái thắc mắc và tò mò của ông giống với vua Hêrôđê như đã thắc mắc tò mò về Đức Giêsu (x. Lc 23,28).
Chính vì thế, trong một ngày làm việc tại sở thu thuế, nghe dân chúng hò reo đón chào Đấng Messia đang đi qua, thắc mắc trong thời gian thôi thúcsự tò mò muốn xem con người Giêsu thế nào đã thúc đẩy ông rời nhiệm sở đi xem Giêsu. Con người đã gây cho ông bao thắc mắc, hoài nghi vì quyền năng và sự cuốn hút dân chúng, phải chăng ông ta là ngôn sứ, hay chỉ là kẻ mị dân lường gạt như các vị tiên tri giả đã từng xuất hiện trước đây. Hoài nghi, tò mò đã thúc đẩy ông bước đi theo đám đông để xem Ngôn sứ Giêsu.
Nhưng ông là người thấp bé, trong lúc những người đứng trước ông thì cao to, khiến ông không thể thấy được Giêsu. Chẳng lẽ lại ra về mà lòng hoài nghi thắc mắc chưa được giải tỏa, càng cho mình thêm bực bội. Phía trước có cây sung to lớn mà đoàn dân chúng cùng Giêsu sắp đi qua. Trong ông nẩy ra một ý tưởng: Chạy lên trước và trèo lên cây sung để xem Giêsu. Nhưng ông lại nghĩ mình là VIP sao lại trèo leo như đứa trẻ con, xem sao được, dân chúng mà thấy thì đâu còn là thể diện của Giám đốc Sở thu thuế quý phái quyền uy ! Nhưng làm sao đây khi trong tâm trí ông đầy tò mò, hoài nghi về con người Giêsu, cứ thôi thúc ông để được nhìn thấy, chẳng lẽ ra về khi những hoài nghi về ông Giêsu không được giải đáp. Nhưng, ông nghĩ: Cây sung xum xuê, có nhiều tán lá rộng, có lẽ chẳng ai thấy ông đâu, vì ông có thể giấu mình dưới những tán lá rậm rạp. Hơn nữa, mọi người đều đang chú ý đến Giêsu nên đâu có để ý đến ông. Ông quyết tâm chạy lên phía trước và trèo lên cây như đứa bé lên mười nghịch ngợm leo trèo để hái quả sung.
Đức Kitô đã đi ngang qua cây sung nơi ông đang ẩn mình dưới những cành lá. Bỗng“Người nhìn lên…” (Lc 19, 5), ánh mắt Ngài chạm ánh mắt ông, một ánh mắt không phải là ánh mắt khinh bỉ mà ông thường gặp trong cuộc đời thu thuế, nhưng ánh mắt đầy âu yếm và cảm thông như cái nhìn của một người Cha hiền. Ông thật ngỡ ngàng tưởng mình nhìn lầm vì ánh mắt đó không như cái nhìn nghiêm khắc kết án của mấy vị Pharisêu đạo đức, càng không là một cặp mắt trách móc của Đấng có thẩm quyền xét xử. Đấng đó nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19, 5). Cuộc gặp gỡ không hẹn trướcđã làm thay đổi ông: “Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người” (Lc 19, 6). Ông được Đức Kitô viếng thăm, được trao đổi và được biết về Người, nơi ông tràn ngập niềm vui, niềm vui từ một người trước đó chỉ lo thu vén bản thân, lo danh lợi quyền uy, hôm nay với cuộc gặp gỡ Đức Kitô đã làm biến đổi đời ông, trái tim chai cứng của “nghề thu thuế” được thay đổi bởi sứ điệp gặp gỡ với Đấng Tình yêu, cái hầu bao chỉ có vô nay được mở ra để chia sẻ tình thương như Đấng mà ông gặp gỡ đã sống và dạy. Ông Giakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửatài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Trái tim ông mang nhịp đập của Đấng Cứu Thế. Hồng ân cứu độ của Đức Kitô đã chạm vào tâm hồn ông, gia đình ông: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,9-10).
Như Giakêu, chúng ta hãy tìm đến gặp gỡ, gặp gỡ anh em bạn bè để tình nghĩa thêm đằm thắm, trái tim được mở rộng cho nhau. Hơn hết tìm gặp gỡ Đức Kitô trong cuộc đời để người biến đổi đời tôi và đời bạn từ nỗi buồn thất vọng, từ nỗi lo chồng chất của cuộc đời, từ những thao thức của bản thân, những hồi hộp âu lo cho tương lai… Gặp gỡ Chúa để Người biến đổi, cuộc biến đổi tiệm tiến mang sự hy vọng và tràn ngập bình an. Như Giakê, từ một người hạn hẹp, hạn hẹp của tấm lòng sẻ chia, của tính toán thu vén… Nhưng khi gặp gỡ và “biết Người”: Cái “biết” theo nghĩa của Thánh Kinh là sự đồng tâm, gắn bó, ông trở thành người đầy niềm vui được gặp gỡ Đấng Cứu Thế. Hơn hết, niềm vui đã làm cho tim ông mở rộng với anh em và trở thành việc làm cụ thể sẻ chia đến anh em trong tinh thần bác ái, đi đến sự công lý mà chính ông đã làm tổn thương trước đó, bằng cách đền gấp bốn.
Xin thúc đẩy con đến với Ngài, lạy Chúa, dù chỉ là một giây phút ban đầu tò mò, đầy hồ nghi như Giakêu. Nhưng hãy thúc đẩy con đến gặp Ngài. Gặp gỡ Ngài, trao đổi – biết Ngài và cái biết làm thay đổi đời con, một đời trong niềm vui và hy vọng…

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 29/10/2016

About Nguyễn Quang Ngọc

Xem thêm

CÁC BÀI SUY NIỆM LỄ LÁ – NĂM B

Các bài suy niệm LỄ LÁ – Năm B Lời Chúa: Mc 11, 1-10; Is …