Trang chủ / 5 PHÚT LỜI CHÚA / (17.2.2018 – Thứ bảy sau Lễ Tro) Kêu gọi người tội lỗi sám hối – Lễ ngoại lịch: Mồng hai Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ

(17.2.2018 – Thứ bảy sau Lễ Tro) Kêu gọi người tội lỗi sám hối – Lễ ngoại lịch: Mồng hai Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ

17.2.2018Kêu gọi người tội lỗi sám hối
Lời Chúa: Lc 5, 27-32
Khi ấy, Ðức Giêsu đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. Ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. Những người Pharisêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Ðức Giêsu rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Ðức Giêsu đáp lại họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”
Suy niệm:
Việc Thầy Giêsu kêu gọi anh Lêvi làm môn đệ
phải được coi là một cuộc cách mạng lớn vào thời bấy giờ.
Chẳng ai gọi một người thu thuế bị xã hội khinh miệt vào nhóm của mình.
Làm thế là hạ giá chính Thầy và cả nhóm môn đệ.
Đức Giêsu đã vượt qua những biên giới ngăn cách rạch ròi
giữa tội lỗi và công chính, giữa thanh sạch và ô nhơ.
Người Do Thái thường không giao tiếp với các người thu thuế,
họ bị coi là tội nhân vì làm việc cho dân ngoại, vì dễ ích kỷ tham lam.
Đức Giêsu chẳng sợ mời anh Lêvi đi theo mình: “Anh hãy theo tôi.”
Ngài không nhìn anh bằng ánh mắt khác với các môn đệ kia.
Chỉ một lời mời của Ngài đủ lấp đi mọi hố sâu ngăn cách.
Lêvi đã quảng đại đáp lại bằng hành động: bỏ tất cả, đứng dậy, đi theo.
Đối với người Do Thái, bữa ăn có tính thiêng liêng.
Đó là lúc người ta thông hiệp với nhau, nên một trong tình bạn.
và cùng chia sẻ với nhau một thứ đồ ăn, thức uống.
Chính vì thế ăn uống với người tội lỗi là điều không được phép,
vì điều ấy sẽ khiến mình bị ô nhơ.
Đức Giêsu có vẻ không sợ chuyện này,
khi Ngài nhận lời ăn tiệc chia tay do anh Lêvi khoản đãi.
Bữa tiệc thật là lớn, có đông đủ bạn bè đồng nghiệp của anh.
Trong số khách mời có cả các môn đệ.
Đức Giêsu dám đến nhà người tội lỗi và ăn với họ.
Hẳn là Ngài rất vui và tự nhiên, chẳng có gì phải e dè, xa cách.
Chỉ có những người Pharisêu là khó chịu và lẩm bẩm đặt câu hỏi tại sao.
Đức Giêsu sẽ cho họ thấy những lý do.
Vì những người thu thuế và tội nhân là những người đau yếu (c. 31).
Những người đau yếu mới cần đến thầy thuốc Giêsu.
Vì mục tiêu của đời Đức Giêsu là kêu gọi người tội lỗi sám hối (c. 32),
nên Ngài phải đến với họ, gần gũi và chia sẻ, mời gọi và yêu thương.
Đức Giêsu cho họ thấy trái tim thật sự của Thiên Chúa.
Không như người Pharisêu nghĩ, trái tim ấy có chỗ cho tội nhân.
Đức Giêsu cũng dành chỗ cho anh Lêvi trong nhóm môn đệ.
Đức Giêsu giúp chúng ta biết cách mời người khác hoán cải.
Đến với họ, nhìn họ bằng cái nhìn mới, và vui vẻ làm bạn với họ.
Trước khi làm cho người khác hoán cải,
chính chúng ta phải hoán cải nơi cái nhìn của mình về người khác.
Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của cuộc sống,
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất tín
nơi những người con tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con rộng lòng tha thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
vì chịu ảnh hưởng của con,
không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen.
(dịch theo Learning Christ)
––––––
Lễ ngoại lịch: Mồng hai Tết Nguyên đán Mậu Tuất
Kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ
Thờ cha kính mẹ
Lời Chúa: Mt 15, 1-6
Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Ðức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.”
Suy niệm:
Giáo Hội dành Mồng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.
Người Công Giáo thường bị coi là bỏ rơi việc thờ cúng ông bà tổ tiên,
như thế họ có thể bị coi là bất hiếu.
Thật ra thảo kính cha mẹ là điều răn thứ bốn Thiên Chúa đòi chúng ta phải giữ.
Cha Đắc Lộ trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày (1651) cho rằng
thảo kính cha mẹ gồm bốn phần, đó là yêu mến, kính sợ, chịu lụy và giúp đỡ.
Cha còn ghi nhận một tập tục đặc biệt vào thời đó.
Ngày Mồng Một Tết, người dân và cả những quan lớn,
sau khi theo vua chúa đi tế Nam Giao về,
“ai nấy về nhà mà lạy cha mẹ ông bà ông vải.”
Vào năm 1625, các thừa sai cho phép cúng giỗ các vị đã khuất.
Trong các gia đình, ngoài bàn thờ kính Chúa, còn có “bàn thờ” tổ tiên
Chỉ có hai điều không được phép,
đó là đốt vàng mã và tin tổ tiên về ăn đồ cúng.
Thật ra, người Công Giáo nhớ đến người quá cố
không qua những nghi lễ giỗ chạp hàng năm,
cho bằng qua việc cầu nguyện và dâng lễ hàng ngày.
Nhà Vua tế Trời ở đàn Nam Giao, nhà sư thờ Phật tại Chùa,
các bậc chức sắc trong làng xã thờ Thành Hoàng tại đình làng,
còn việc cầu nguyện, cúng giỗ tổ tiên được cử hành tại gia đình,
nơi người sống và người đã qua đời vẫn thông hiệp với nhau chặt chẽ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu bênh vực quyền lợi của cha mẹ.
Ngài đòi người ta phải giữ điều răn thứ tư của Thiên Chúa.
Thảo kính cha mẹ hàm chứa việc săn sóc và phụng dưỡng cha mẹ.
Cụ thể người con phải giúp cha mẹ về mặt tài chánh.
Đức Giêsu phản đối một truyền thống được bày đặt bởi người Pharisêu,
đó là khi một người con lấy số tiền lẽ ra dành để nuôi cha mẹ
mà dâng cúng cho đền thờ làm lễ phẩm
thì anh ta khỏi phải dùng tiền đó mà nuôi cha mẹ nữa (cc. 5-6).
Đối với Đức Giêsu, làm thế là nhân danh một truyền thống con người
mà “vi phạm điều răn của Thiên Chúa”và “hủy bỏ lời của Thiên Chúa” (cc. 3.6).
Khi suy nghĩ về tương quan giữa cha mẹ và con cái,
chúng ta cần tự hỏi:
Làm sao để có sự cảm thông giữa những thế hệ?
Làm sao để con cái biết vâng phục và tôn kính cha mẹ?
Làm sao để cha mẹ biết giáo dục con cái bằng khuyên răn và sửa dạy?
Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét,
Chúa đã thành một người chín chắn
và trưởng thành,
sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.

Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse
sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.

Chúa đã học nơi Mẹ Maria
sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin phó thác
và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.

Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

About Nguyễn Quang Ngọc

Xem thêm

(18.04.2024 – THỨ NĂM TUẦN 3 PHỤC SINH) CHÚA CHA LÔI KÉO

Phúc Âm: Ga 6, 44-51 “Ta là bánh từ trời xuống”. Tin Mừng Chúa Giêsu …